Thời gian qua, tỉnh Bình Dương có bước phát triển vượt bậc, là hình mẫu cho nhiều địa phương học tập. Tháng 7 vừa rồi, lần đầu tiên, Vùng thông minh Bình Dương lọt TOP 7, một điểm nhấn khẳng định mô hình xây dựng thành phố thông minh của tỉnh là chiến lược đúng đắn và đang từng bước gặt hái thành quả.

Dựa trên nền tảng sẵn có về phát triển hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông, hệ thống các khu công nghiệp, tỉnh Bình Dương đặt quyết tâm nâng dần chất lượng về phát triển, thu hút đầu tư gắn với sản xuất theo xu hướng khoa học công nghệ tiên tiến, ít thâm dụng lao động từ nay đến năm 2030. Mục tiêu là biến Bình Dương thành Vùng đổi mới sáng tạo - trọng tâm của Đề án Thành phố thông minh, vốn tạo sự chú ý lớn và thành công thời gian vừa qua.

{keywords}
Triển khai các ứng dụng CNTT phục vụ thành phố thông minh tỉnh Bình Dương

Sau 25 năm tái lập tỉnh, Bình Dương đã trở thành tỉnh năng động, có kinh tế và công nghiệp phát triển, được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước lựa chọn gắn bó để phát triển.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Dương nhiệm kỳ 2020-2025 xác định phát triển công nghiệp phải gắn liền với phát triển khoa học-công nghệ. Với định hướng Vùng đổi mới sáng tạo, tầm nhìn phát triển tương lai của tỉnh Bình Dương là nâng cao đời sống xã hội, từ quy hoạch đô thị, đến xây dựng văn hóa đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế cân bằng, chuyển đổi số và cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến phát triển nguồn nhân lực.

Kế hoạch thực hiện Đề án thành phố thông minh Bình Dương được ban hành tháng 6/2021. Ban Điều hành thành phố thông minh Bình Dương đặt mục tiêu hoàn thành việc xây dựng Đề án thành phố thông minh giai đoạn 2021-2026, trong đó đặc biệt chú trọng cập nhật các chương trình mới vào quy hoạch Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương.

Trong năm 2021, tỉnh dự kiến triển khai được ít nhất 3 dự án cụ thể (trong 12 dự án trọng điểm của Đề án), mang đến hiệu quả rõ ràng, trực tiếp cho người dân và doanh nghiệp. Tỉnh tiếp tục triển khai các dự án nền tảng và xây dựng Đề án để thực hiện giai đoạn tiếp theo, trong đó hướng trọng tâm đến lĩnh vực đổi mới sáng tạo, công nghiệp 4.0, tăng trưởng thông minh. Tỉnh tiếp tục hoàn thiện mô hình hợp tác ba nhà, kiện toàn tổ chức của Đề án giai đoạn tiếp theo; tăng cường hợp tác ba bên trong tất cả các hoạt động và khuyến khích phát huy tinh thần chủ động đề xuất các dự án, chương trình.

Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh, hiện Bình Dương đang mở rộng không gian phát triển từ Đề án xây dựng thành phố thông minh Bình Dương với trọng tâm Vùng đổi mới sáng tạo, được kỳ vọng sẽ thúc đẩy và xây dựng Bình Dương trở thành tỉnh có hệ sinh thái đổi mới sáng tạo rộng hơn, tạo nền tảng để xây dựng môi trường đầu tư hấp dẫn, từng bước trở thành vùng sản xuất thông minh, ít thâm dụng lao động, tạo ra giá trị hàng hóa có chất xám cao và môi trường sống lành mạnh.

Ông Nguyễn Việt Long, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Dương, cho rằng chìa khóa phát triển trong thời kỳ 4.0 là việc hỗ trợ nâng cấp trình độ, công nghệ sản xuất cho các doanh nghiệp. Tỉnh đang có các chính sách hỗ trợ nâng cao năng suất, chất lượng doanh nghiệp, cần được đẩy nhanh vào thực tiễn sau dịch bệnh.

Hiện Tổng Công ty Becamex IDC đang hoàn thành xây dựng giai đoạn đầu Trung tâm sản xuất thông minh 4.0, nơi đặt ra đề bài nghiên cứu, chuyển giao công nghệ phù hợp với nhu cầu thực tiễn để thu hút các chuyên gia trong nước và quốc tế, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất hiệu quả hơn.

Dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Dương đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, năng động, sáng tạo, phát huy tiềm năng, lợi thế, khơi dậy mạnh mẽ các nguồn lực, đạt được kết quả toàn diện trên mọi lĩnh vực. Ngay sau đợt dịch, Bình Dương nhanh chóng hoàn thành thủ tục xây dựng trụ sở tòa nhà Trung tâm Điều hành thành phố thông minh để đưa vào vận hành hiệu quả.

Bên cạnh đó, việc phát huy, tận dụng những lợi thế từ ứng dụng công nghệ không chỉ góp phần quan trọng trong đẩy lùi dịch bệnh mà còn tạo điều kiện thuận lợi để tỉnh khôi phục kinh tế, tiếp tục thực hiện khát vọng xây dựng thành công thành phố thông minh.

Nhờ đó, trong năm nay tỉnh cơ bản đạt được mục tiêu vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Tổng sản phẩm (GRDP) tăng 2,62%, GRDP bình quân đầu người đạt 152 triệu đồng/người/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng công nghiệp - thương mại, dịch vụ đạt trên 89,2%. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 58 tỷ đô la Mỹ, tăng 17,8%. Thu ngân sách đạt 66.788 tỷ đồng, đạt 114% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài gần 2,7 tỷ đô la Mỹ, tăng 36% so với năm 2020.

Sang năm 2022, tỉnh Bình Dương sẽ tập trung triển khai Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế; hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động, không để suy giảm các động lực tăng trưởng trong dài hạn, phấn đấu đạt mức tăng trưởng từ 8% trở lên.

Như Sỹ