UBND tỉnh Bình Dương vừa tổ chức cuộc họp nghe đơn vị tư vấn báo cáo Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí rừng phòng hộ Núi Cậu Dầu Tiếng giai đoạn 2021 – 2030.
Núi Cậu là một ngọn núi nhỏ nằm ở xã Định Thành, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương, nằm sát bên hồ Dầu Tiếng - một công trình an ninh quốc gia.
Quần thể Núi Cậu với tổng diện tích hơn 1.600 ha, gồm 21 ngọn núi lớn nhỏ có dạng hình chữ U. Ngọn núi cao nhất là núi Cửa Ông cao 295 mét, núi Ông cao 285 mét, núi Tha La cao 198 mét và núi thấp nhất là núi Chúa cao 63 mét. Bốn ngọn núi này gắn liền với nhau tạo thành một dãy núi nhấp nhô kéo dài nằm chếch về hướng Bắc - Đông Bắc và Nam - Tây Nam. Núi Cậu mang vẻ đẹp thiên nhiên trù phú với nhiều loại gỗ quý và là nơi sinh sống của nhiều loài động vật.
Khu vực nhiều năm qua đón hành trăm ngàn lượt du khách tới tham quan, nghỉ dưỡng. Nếu đề án này được thông qua và thực hiện, tương lai sẽ có một “Đà Lạt thu nhỏ” hấp dẫn nằm sát bên hồ thủy lợi lớn nhất Việt Nam.
Theo UBND tỉnh Bình Dương, đề án này nhằm khai thác tiềm năng môi trường sinh thái tự nhiên của khu rừng phòng hộ đầu nguồn, gồm tài nguyên rừng và đất rừng một cách hợp lý để phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí. Từng bước đưa du lịch sinh thái trở thành hoạt động quan trọng của chủ rừng, thu hút các nguồn vốn đầu tư phát triển du lịch; góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương gắn với công tác quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng bền vững môi trường; kết nối sản phẩm du lịch với TP.HCM và các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Về phía đơn vị tư vấn cũng đưa ra các loại hình du lịch phù hợp với điều kiện thực tiễn tại khu vực này như du lịch nghỉ dưỡng, du lịch thể thao (leo núi, xe đạp địa hình), du lịch cắm trại trong rừng, du lịch khám phá thiên nhiên, khám phá lịch sử vùng Núi Cậu, du lịch văn hóa, tâm linh chùa Thái Sơn, du lịch cắm trại về nguồn, sinh hoạt tập thể…
Các sản phẩm du lịch phù hợp bao gồm du lịch cộng đồng với sản phẩm cây rừng, cây ăn quả, thủy sản trên đất rừng phòng hộ của hộ được khoán, có thể theo phương thức du lịch homestay hoặc farmstay, du lịch cộng đồng gắn với sản phẩm OCOP.
Để thông qua đề án này, UBND tỉnh Bình Dương đề nghị đơn vị tư vấn tiếp thu các ý kiến đóng góp của các sở, ngành, bổ sung, hoàn chỉnh đề án, đặc biệt cần đưa ra giải pháp phát triển du lịch nhưng phải bảo vệ được rừng phòng hộ. Đồng thời, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm tham mưu UBND tỉnh thành lập Hội đồng thẩm định để thông qua đề án.
Bình Dương được biết đến là tỉnh phát triển công nghiệp với hàng chục khu công nghiệp lớn của cả nước, thu hút đông đảo người lao động trong những năm qua.
Ngoài việc phát triển công nghiệp, địa phương này cũng có nhiều tiềm năng để phát triển ngành du lịch nhưng đến nay vẫn chưa được đầu tư xứng tầm với lợi thế của mình.