Cuộc "cải cách" nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị

Việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về "Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" được Tỉnh ủy Bình Dương xác định là nhiệm vụ trọng tâm, cần thực hiện quyết liệt nhưng có lộ trình, bước đi vững chắc, đáp ứng yêu cầu cả trước mắt và lâu dài, phù hợ​​p với thực tiễn của địa phương.

Hồi giữa năm nay, tỉnh ủy Bình Dương đã tổ chức Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả và một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Quyết định 711-QĐ/TU ngày 11-5-2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

{keywords}
Ảnh minh họa: Đoàn công tác của Tỉnh ủy làm việc với Thành ủy Thủ Dầu Một về công tác tinh giản biên chế, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Đề án 711 được xem là cuộc "cải cách" nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CB,CC,VC) có năng lực, có tinh thần trách nhiệm với công việc được giao.

Sau khi có Đề án 711, Tỉnh ủy Bình Dương đã tổ chức nhiều cuộc họp triển khai, chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền tiếp tục đổi mới, sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với xu thế phát triển, nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước và chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh; phát huy quyền làm chủ của nhân dân; tinh giản biên chế đồng bộ, gọn nhẹ, gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh.

Theo đánh giá của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, việc sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách cấp xã là sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, được thống nhất từ chủ trương, tổ chức tuyên truyền rộng rãi, quán triệt rõ mục đích, yêu cầu của việc thực hiện đề án. Sau khi thực hiện rộng khắp trong tỉnh, số lượng cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách giảm rõ rệt. Nhờ đó, mỗi cán bộ, công chức kiêm nhiệm nhiều chức danh nên có điều kiện phấn đấu, nâng cao trình độ, tạo sự chuyển biến tích cực trong quá trình thực thi nhiệm vụ.

Hiện nay, tỉnh đã thực hiện kiêm nhiệm chức danh người đứng đầu một số cơ quan cấp ủy và cơ quan chuyên môn của chính quyền. Cụ thể, đã thực hiện kiêm nhiệm Trưởng Ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh, huyện; 04/09 đơn vị thực hiện Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy kiêm Chánh Thanh tra cấp huyện (TP.Thuận An, TX.Tân Uyên, huyện Bàu Bàng, huyện Phú Giáo); 02/09 đơn vị thực hiện Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy kiêm Trưởng phòng Nội vụ (TP.Thuận An, TX.Tân Uyên).

Đặc biệt, Bình Dương đã thực hiện Bí thư đồng thời là Chủ tịch HĐND cấp huyện ở 03 địa phương (TP.Thủ Dầu Một, Thuận An và huyện Phú Giáo); Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND cấp huyện ở 01 địa phương (huyện Bắc Tân Uyên).

Tính đến thời điểm này, đã có 12/91 đơn vị cấp xã thực hiện mô hình Bí thư kiêm Chủ​ tịch UBND; 37/91 đơn vị đã thực hiện mô hình Bí thư kiêm Chủ tịch HĐND. Thực hiện Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban MTTQ có 52/91 đơn vị; mô hình Phó Chủ tịch HĐND kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy có 15/91 đơn vị.

Trên cơ sở quyết định phê duyệt của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành các quyết định sắp xếp kiện toàn cơ cấu tổ chức đối với tất cả 18/18 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh. Trước khi sắp xếp, 18 sở ngành cấp tỉnh có tổng cộng 134 phòng và 16 chi cục; sau khi sắp xếp còn lại 106 phòng và 13 chi cục, trong đó giảm nhiều nhất là Sở Công Thương và Văn phòng UBND tỉnh. Kết quả này vượt hơn so với chỉ tiêu Đề án 711 đề ra là giảm 20 phòng.

Phấn đấu đến năm 2021, giảm tối thiểu 10% đơn vị sự nghiệp công lập

Ngoài ra, nhằm mục đích thực hiện tốt công tác phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong quá trình thực hiện công việc và trong công tác quản lý, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp, từ ngày 01/3/2019, UBND tỉnh đã chuyển Trung tâm Hành chính công từ Sở Nội vụ về trực thuộc Văn phòng UBND tỉnh theo quy định của Nghị định số 61/2018/NĐ-CP của Chính phủ.

Bên cạnh việc sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức cơ quan chuyên môn, Bình Dương đã sáp nhập Ban Quản lý Khu công nghiệp (KCN) Việt Nam-Singapore vào Ban Quản lý các KCN Bình Dương để chỉ còn một đầu mối quản lý các KCN trên địa bàn tỉnh. Từ 02 Ban Quản lý với tổng số 14 phòng, sau khi sáp nhập thành 01 Ban Quản lý với 08 phòng và dự kiến đến năm 2021 sẽ tiếp tục sáp nhập giảm tiếp 01 phòng để còn 07 phòng.

Tính đến nay, sau 02 năm thực hiện Đề án 711, toàn tỉnh sắp xếp giảm được 03 đầu mối cấp tỉnh và tương đương, giảm 40/218 đầu mối cấp phòng và tương đương; giảm 04/117 lãnh đạo cấp tỉnh, giảm 52/504 lãnh đạo cấp phòng thuộc cấp tỉnh (35 cấp trưởng và 17 cấp phó) và 52/577 lãnh đạo phòng thuộc cấp huyện (12 cấp trưởng và 40 cấp phó); giảm 1.102 biên chế.

Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2021, giảm tối thiểu 10% đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2015, đến nay, tỉnh đã giảm được 27 đơn vị trong tổng số 556 đơn vị sự nghiệp công lập.

Bên cạnh đó, công tác sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn gắn với tinh giản biên chế đã góp phần tiết kiệm chi thường xuyên, giảm kinh phí hoạt động của các cơ quan, đơn vị. Đồng thời, góp phần tăng chi cho đầu tư phát triển, giảm nợ công, bảo đảm tăng lương cơ sở hàng năm.

Trong các cuộc họp triển khai, chỉ đạo thực hiện Đề án 711 của Tỉnh ủy, Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Nam luôn nhấn mạnh: "Việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế phải giữ được sự ổn định về chính trị, kinh tế - xã hội; làm quyết liệt nhưng thận trọng, không nóng vội, duy ý chí; bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, đoàn kết và thống nhất; phải khoa học, hiệu quả, phù hợp với chức năng nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức".

Bạch Dương