Trong bối cảnh nguồn ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp, bằng quyết sách đúng đắn, Bình Dương đã huy động được nguồn lực to lớn từ xã hội để phát triển hạ tầng giao thông hiện đại đồng bộ, hạ tầng kỹ thuật tốt, thu hút ngày một nhiều nhà đầu tư đến với tỉnh. Trong giai đoạn 2021-2025, Bình Dương vẫn tiếp tục mục tiêu “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân” với nguồn vốn của tỉnh dành cho đầu tư công gần 50.000 tỷ đồng.

binhduong.png
Ảnh minh hoạ

Trong 10 tháng năm 2023 tổng giá trị giải ngân 11.189 tỷ đồng, đạt 91,8% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. So với cùng kỳ năm 2022, giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 cao hơn cả về tỷ lệ và giá trị giải ngân. Trong tình hình khó khăn, giải ngân vốn đầu tư công cao được xem là một trong những biện pháp “kích thích” cho nền kinh tế.

Tỉnh đã tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án, công trình giao thông trọng điểm, ban hành đơn giá xây dựng, điều chỉnh bảng giá đất và định giá đất cụ thể trên địa bàn khẩn trương chi trả bồi thường, giải phóng mặt bằng các công trình, như: Quốc lộ 13, Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh, ĐT746…

Có thể nói, dù còn nhiều khó khăn nhất định do tác động của tình hình thế giới, giá cả nguyên vật liệu nhiều biến động, nhưng các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước vẫn đặt niềm tin về sự phục hồi của kinh tế và có những bước chuẩn bị trong kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh tại Bình Dương. Cụ thể, đến ngày 15/10 tỉnh thu hút 7.585 tỷ đồng vốn đăng ký kinh doanh, gồm 671 doanh nghiệp đăng ký mới với 4.579 tỷ đồng vốn đăng ký, 133 doanh nghiệp điều chỉnh tăng vốn 3.755 tỷ đồng.

Bình Dương luôn tạo cơ chế và môi trường kinh doanh thuận lợi, sắp tới tỉnh sẽ có những giải pháp thực chất hơn để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Để hỗ trợ cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phục hồi và sản xuất kinh doanh ổn định, thời gian qua, UBND tỉnh đã triển khai các giải pháp về đầu tư phát triển hạ tầng; cải cách thủ tục hành chính; hỗ trợ tiếp cận vốn vay; bảo đảm an sinh xã hội;…

Có thể nói, với những nỗ lực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội có sự chuyển biến tích cực. Sản xuất công nghiệp, thương mại - dịch vụ, xuất khẩu tăng, chỉ số sản xuất công nghiệp, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng duy trì tốc độ tăng so với cùng kỳ, thu ngân sách Nhà nước cơ bản bảo đảm dự toán và khả năng hoàn thành kế hoạch, chi ngân sách tiết kiệm, hiệu quả.

Tuy nhiên, tình hình sản xuất kinh doanh vẫn còn khó khăn; xuất khẩu, nhập khẩu giảm mạnh so với cùng kỳ… Cục Thống kê tỉnh cho biết qua khảo sát 409 doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, cho thấy có 18,3% số doanh nghiệp đánh giá tình hình xuất kinh doanh quý III-2023 tốt hơn so với quý II, 35,4% số doanh nghiệp cho rằng tình hình xuất kinh doanh ổn định.

Trong các yếu tố chủ yếu ảnh hưởng đến xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong quý III-2023, có 55,7% doanh nghiệp đánh giá do nhu cầu thị trường quốc tế thấp là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến hoạt động xuất kinh doanh của doanh nghiệp, có 56,2% doanh nghiệp cho rằng do nhu cầu thị trường trong nước thấp và 35,9% doanh nghiệp cho rằng khả năng cạnh tranh cao của hàng hóa trong nước. Ngoài ra, 11,5% doanh nghiệp cho rằng do không tuyển được lao động theo yêu cầu; có 34,72% doanh nghiệp cho rằng do gặp khó khăn về tài chính; có 20,8% doanh nghiệp cho rằng do lãi suất cao.

Nhận định về những tháng còn lại của năm 2023 các doanh nghiệp trên địa bàn đều tỏ ra lạc quan khi có 67,5% doanh nghiệp đánh giá tình hình xuất kinh doanh ổn định và tốt hơn, 31,54% doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên, 35,94% doanh nghiệp cho rằng tình hình xuất kinh doanh ổn định.

Cửu Long