Chia sẻ với VietNamNet, bác sĩ Nguyễn Đức Kiên Bình, Khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP.HCM), cho biết bệnh nhân là một phụ nữ trên 40 tuổi, ngụ tại tỉnh Đồng Nai. Chị được chồng đưa đi cấp cứu vào ngày 11/6 sau khi vụ nổ xảy ra.
Khai thác bệnh sử ghi nhận, khi bệnh nhân chuẩn bị nấu ăn, lúc bật bếp, lửa phụt lên và khí ga phát nổ gây bỏng vùng thân trên của bệnh nhân gồm lưng, vai, ngực, hai tay, cổ.
Ngay lập tức, chị nhảy xuống ao nuôi tôm trước nhà để giảm bớt bỏng rát. Sau đó, chị được chồng đưa chị đến Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP.HCM) mà không kịp sơ cứu tại chỗ.
Thời điểm tiếp nhận, người phụ nữ tỉnh táo, diện tích bỏng khoảng 50% cơ thể, chẩn đoán bỏng độ 2A. Bệnh nhân được chuyển lên Khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình tiếp tục điều trị.
“Hiện mới là giai đoạn đầu của bỏng nên vẫn chưa nói trước được tình hình. Bệnh nhân đã được truyền bù dịch cũng như đề phòng nguy cơ nhiễm trùng máu hoặc biến chứng sốc bỏng. Trong vài ngày tới, chúng tôi sẽ đánh giá mức độ tổn thương mô hoại tử đến đâu và có hướng xử lý tiếp theo”, bác sĩ Bình nói.
Ông cũng cho biết trong tình huống cấp bách, nếu xung quanh không có nước sạch, người gặp tai nạn cháy/bỏng có thể tận dụng nguồn nước xung quanh như ao hồ, sông suối để loại bỏ lửa và nhiệt trên cơ thể, tránh tổn thương sâu thêm do bỏng.
Cách đây ít ngày, một em bé 5 tuổi ở Bình Phước bị chấn thương đầu, dập nhu mô não vì khí ga trong bình mini. Tai nạn xảy ra khi trẻ chơi gần đống rác đang đốt ở sau nhà. Nghe tiếng nổ lớn, gia đình chạy ra và phát hiện bé bất tỉnh với vết thương vùng đầu. Trẻ được phẫu thuật khẩn cấp và theo dõi tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM.
Các bác sĩ nhiều lần cảnh báo việc dùng đi dùng lại bình gas mini hoặc bình gas vỏ cũ kỹ, rỉ sét... rất mất an toàn và dễ cháy nổ.