Là huyện miền núi, biên giới, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) cao nhất nước, Bình Liêu cần có những giải pháp đặc thù trong thực hiện chuyển đổi số toàn diện. Phát huy vai trò của tổ công nghệ số cộng đồng, huyện phấn đấu đứng trong nhóm các địa phương của tỉnh Quảng Ninh có xếp hạng tốt về chuyển đổi số toàn diện.

Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU của BTV Tỉnh ủy Quảng Ninh về chuyển đổi số toàn diện, Bình Liêu đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trong các lĩnh vực chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Với nhiệm vụ xây dựng chính quyền số, huyện duy trì, vận hành ổn định và an toàn mạng LAN/WAN trong các cơ quan, đơn vị. 100% cơ quan khối Đảng, Nhà nước từ huyện đến xã có hạ tầng để triển khai họp trực tuyến và duy trì họp trực tuyến thường xuyên; liên thông các quy trình, dữ liệu, hồ sơ công việc huyện - xã; toàn bộ hồ sơ TTHC được cập nhật, theo dõi tình hình thực hiện qua Hệ thống thông tin điện tử một cửa. Cơ bản 100% CBCCVC cài đặt và kích hoạt ứng dụng VNeID.
Về nhiệm vụ phát triển kinh tế số, đến nay 100% doanh nghiệp, HTX, tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh thanh toán không dùng tiền mặt với 484 điểm thanh toán; nộp thuế điện tử và sử dụng nền tảng số như mạng xã hội zalo, facebook… để phục vụ các hoạt động trao đổi mua bán.
100% sản phẩm OCOP của huyện được đưa lên sàn thương mại điện tử; các sản phẩm chủ lực như miến dong, mật ong, tinh dầu các loại, rượu gạo bao thai... được gắn tem truy xuất nguồn gốc.
Chuyển đổi số y tế, giáo dục, du lịch được đẩy mạnh, góp phần gia tăng lợi ích, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, đảm bảo công bằng, hiệu quả. Khám chữa bệnh bằng CCCD gắn chíp hoặc tài khoản định danh điện tử mức độ II, tỷ lệ người dân có Sổ sức khỏe điện tử đạt 93%.
Tất cả trường học trên địa bàn có phòng học tin học đạt chuẩn; đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các trường học được tập huấn sử dụng chữ ký số USB Token, Mysign và hệ thống quản lý hồ sơ sổ sách giáo dục edoc.

Theo Hoàng Lâm (Báo Quảng Ninh)