Tại “Báo cáo đánh giá năng lực cạnh tranh của tỉnh Bình Phước và định hướng chiến lược năm 2030 tầm nhìn 2050, kế hoạch và chương trình hành động giai đoạn 2020-2025”, nhóm các chuyên gia kinh tế Huỳnh Thế Du, Hoàng Văn Thắng, Đỗ Thiên Anh Tuấn thuộc Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng Bình Phước đang và sẽ có những cơ hội xen lẫn thách thức trong hiện tại và tương lai.
Ở thời điểm hiện tại khi các hoạt động kinh tế vùng Thành phố Hồ Chí Minh đang được lan tỏa và mở rộng, cơ hội bắt đầu lan đến các địa phương có kết nối xa hơn. Đối với Bình Phước, nơi cửa ngõ kết nối trung tâm Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với Tây Nguyên bắt đầu có những điều kiện phát triển, các cơ hội đã trở nên ngày càng rõ rệt.
Điều kiện về thiên thời, địa lợi và nhân hoà
Bình Phước cách trung tâm Tp. Hồ Chí Minh khoảng 100 km. Với quỹ đất, hệ thống giao thông kết nối, đặc biệt là đội ngũ lãnh đạo dám “nghĩ lớn,” dám đột phá để phát triển, đã và đang đưa Bình Phước nắm bắt cơ hội phát triển nhanh và bền vững, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định.
Hiện Bình Phước đang hoàn toàn có đủ các điều kiện về thiên thời, địa lợi và nhân hoà để chủ động phát triển một cách mạnh mẽ và bền vững.
Một số tỉnh thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai đang quá tải về hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghiệp, hạ tầng xã hội.
Trong khi Bình Phước lại là tỉnh giáp ranh những địa phương này, quỹ đất còn lớn, hệ thống giao thông kết nối đã và đang hoàn chỉnh, địa thế đất cao.
Đây là những điều kiện tốt để Bình Phước đón làn sóng đầu tư đang dịch chuyển; trong đó, phải chủ động để đón những dự án lớn, chiến lược có tính chất lan tỏa, dẫn dắt, mang lại giá trị gia tăng cao.
Bên cạnh đó, Bình Phước có hạ tầng giao thông tương đối thuận lợi, kết nối với Tây Nguyên và các tỉnh miền Đông Nam bộ thông qua Quốc lộ 13, Quốc lộ 14, đường ĐT 741 đã được đầu tư hoàn chỉnh với quy mô từ 6 đến 8 làn xe rất thuận lợi cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa.
Hiện nay, tỉnh Bình Phước 13 khu công nghiệp với tổng diện tích 4.686 ha và 8 cụm công nghiệp với diện tích 380 ha; trong đó, có 11 khu công nghiệp đã được đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng và đi vào hoạt động.
Vừa rồi, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận chủ trương cho Bình Phước mở rộng 3 khu công nghiệp. Dự kiến đến năm 2030, Bình Phước sẽ tiếp tục quy hoạch mới và mở rộng một số khu công nghiệp với diện tích khoảng 9.300 ha.
Bên cạnh, Bình Phước có Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Hoa Lư, giáp với Vương quốc Campuchia, giao thông thuận lợi kết nối với Lào và Thái Lan với tổng diện tích trên 28.300 ha; trong đó, trên 3.500 ha khu trung tâm đã đưa vào hoạt động.
Liên kết để tạo sự cộng hưởng cho phát triển của toàn vùng
Đánh giá về vai trò và tiềm năng phát triển của Bình Phước trong thời gian tới, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên – nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng Bình Phước là trung tâm kết nối Tây Nguyên – Tây Nam Bộ với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nơi có cảng trung chuyển quốc tế hàng không và hàng hải; trong đó Tp. Hồ Chí Minh là hạt nhân, đầu tàu.
Bình Phước nằm trên hành lang Đông – Tây kết nối vùng Tây Bắc ASEAN có tiềm năng phát triển rất lớn.
Các chuyên gia kinh tế đánh giá, hiện nay khi các hoạt động kinh tế vùng Tp. Hồ Chí Minh đang được lan tỏa và mở rộng, cơ hội bắt đầu lan đến các địa phương có kết nối xa hơn. Bình Phước, nơi cửa ngõ kết nối trung tâm vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với Tây Nguyên bắt đầu có những điều kiện phát triển, các cơ hội đã rõ ràng hơn.
Tiến sỹ Trần Du lịch cho rằng, Bình Phước muốn vươn lên mạnh mẽ và bền vững cần thực hiện 4 nhóm giải pháp mang tính đột phá. Đó là nỗ lực thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước nhằm tạo nên một làn sóng đầu tư mạnh mẽ; xây dựng nền công vụ phục vụ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh về thể chế và chính quyền phải thực sự đồng hành cùng doanh nghiệp; tạo đà nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; ưu tiên xây dựng giao thông kết nối các hành lang kinh tế trong khu vực.
Đặc biệt, việc kết nối liên vùng là vấn đề quan trọng để tạo động lực cho Bình Phước phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Liên kết để phát triển trục kết nối giao thông Bình Phước – Bình Dương – Tp. Hồ Chí Minh đi Cảng hàng không quốc tế Long Thành, cảng Cái Mép – Thị Vải; trục Đắc Nông – Bình Phước – Bình Dương – Đồng Nai – Tp. Hồ Chí Minh; tuyến Bà Rịa – Vũng Tàu – Tp. Hồ Chí Minh – Bình Phước – Campuchia – Thái Lan – Myanmar…
Theo đó, trước mắt Bình Phước cần nghiên cứu hệ thống giao thông kết nối với đường vành đai 3 của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Một khi đường vành đai 3 hình hình thành thì sẽ khai thông khai thông về lĩnh vực logistics cho cả Bình Dương và Bình Phước khi kết nối với hệ thống cảng biển và cảng hàng không của vùng.
Phước Long