Trên tinh thần đó, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1361/QĐ-UBND về ban hành Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao trên địa bàn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2021-2025, với 20 tiêu chí.
Theo đó, xã nông thôn mới nâng cao trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 phải là xã đạt chuẩn nông thôn mới, đáp ứng yêu cầu đầy đủ mức đạt chuẩn theo yêu cầu của Bộ tiêu chí về xã nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025; đạt 20 tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 gồm: 1-Quy hoạch; 2-Giao thông; 3-Thủy lợi và phòng chống thiên tai; 4-Điện; 5-Giáo dục; 6-Văn hóa; 7-Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn; 8-Thông tin và Truyền thông; 9-Nhà ở dân cư; 10-Thu nhập; 11-Nghèo đa chiều; 12-Lao động; 13-Tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn; 14-Y tế; 15-Hành chính công; 16-Tiếp cận pháp luật; 17-Môi trường; 18-Chất lượng môi trường sống; 19-Quốc phòng và An ninh; 20-Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu.
Đến nay, toàn tỉnh có 3/11 huyện, thị xã, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (thị xã Bình Long, Phước Long và thành phố Đồng Xoài), 2 huyện đang hoàn thiện hồ sơ trình Trung ương thẩm định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (Chơn Thành, Đồng Phú), 66/86 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 12/86 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Số tiêu chí đạt chuẩn trung bình của toàn tỉnh là 17,8 tiêu chí; 23 thôn, ấp được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Kết quả này góp phần làm thay đổi rõ rệt diện mạo vùng nông thôn; đời sống nhân dân được cải thiện, nâng cao; tỷ lệ hộ nghèo được giảm mạnh. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn có bước phát triển mới, tạo thêm việc làm và tăng thu nhập cho người dân nông thôn. Sản xuất nông nghiệp chuyển dịch tích cực theo hướng sản xuất hàng hóa với quy mô, trình độ, chất lượng, giá trị, hiệu quả cao hơn. Sắp xếp và tổ chức lại sản xuất, tập trung chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm) được tập trung triển khai đồng bộ.
Lĩnh vực phát triển hạ tầng đã chủ động huy động, bố trí lồng ghép các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng thủy lợi, chủ động triển khai các tiêu chí xây dựng nông thôn mới mà không cần có sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Văn hóa xã hội, giáo dục, y tế tiếp tục được quan tâm đầu tư, đáp ứng ngày càng tốt hơn các hoạt động vui chơi giải trí, thể dục thể thao và chăm sóc sức khỏe cho người dân vùng nông thôn; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững.
Qua triển khai thực hiện phong trào thi đua, toàn tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình hay, gương điển hình tiên tiến, tiêu biểu. Cụ thể như: mô hình tổ hợp tác phát triển kinh tế của Hội Liên hiệp thanh niên thị xã Bình Long; Hợp tác xã trồng rau an toàn của khu phố Suối Đá, phường Tân Xuân, thành phố Đồng Xoài; chuỗi cung ứng thịt heo an toàn sinh học từ trang trại đến người tiêu dùng của Tổ 5, khu phố Phú An, phường An Lộc, thị xã Bình Long; tuổi trẻ Bình Phước xây dựng nông thôn mới của Tỉnh Đoàn; cựu chiến binh tự quản các tuyến đường sáng, xanh, sạch, đẹp của Hội Cựu chiến binh phường Tân Đồng, thành phố Đồng Xoài; Zalo an ninh và camera an ninh của thành phố Đồng Xoài; “thắp sáng đường quê”, “thắp sáng đường tuần tra biên giới” của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Bình Phước…