Tại hội thảo, các đơn vị viễn thông cũng như các công ty cung cấp nền tảng số, giải pháp số đã có nhiều tham luận chia sẻ các nội dung về nền tảng số, giải pháp số cũng như kết quả thực hiện quá trình chuyển đổi số tại các cơ quan, đơn vị.
Qua đó, các công ty cung cấp nền tảng số đã có những định hướng, giải pháp và sản phẩm phù hợp để giúp Bình Phước nắm bắt được những nội dung, giải pháp, cơ hội thúc đẩy chuyển đổi số trong phát triển công nghiệp, nông nghiệp và các giải pháp an toàn thông tin trong chuyển đổi số.
Toàn cảnh hội thảo.
Đại biểu tham dự hội thảo.
Là một trong những đại diện công ty cung cấp nền tảng số tham dự hội thảo, ông Nguyễn Epal, Phó Giám đốc kinh doanh, Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển OpenLive cho biết, hiện nay, công ty đang đưa ra một quy trình giúp doanh nghiệp tiếp cận chuyển đổi số một cách toàn diện nhất thông qua phát hành e-voucher hoặc e-membership của các thương hiệu.
“Thông qua e-voucher hoặc e-membership, doanh nghiệp sẽ có thêm những giải pháp về marketing một cách hiệu quả, đơn giản nhất và tiếp theo là nâng tầm hình ảnh, giá trị thương hiệu của doanh nghiệp trong các chuỗi sự kiện đến cộng đồng của hệ sinh thái doanh nghiệp của OpenLive”.
Phó Trưởng phòng Dịch vụ số, Cục Chuyển đổi số quốc gia Mai Thanh Hải khuyến nghị, Bộ Thông tin và Truyền thông, mà cụ thể là Cục Chuyển đổi số quốc gia luôn đồng hành cùng các địa phương trong quá trình chuyển đổi số.
“Chúng tôi thường xuyên cập nhật các bài viết trên zalo về những chủ trương, định hướng của bộ, ngành mang tính truyền cảm hứng để các bộ, ngành, địa phương chia sẻ với nhau”.
Thông tin tại hội thảo về kết quả xếp hạng chuyển đổi số của Bình Phước cho thấy, năm 2022, tỉnh đứng thứ 12 so với các tỉnh, thành phố trong cả nước, đứng thứ hai trong khu vực Đông Nam Bộ. Trong đó, chính quyền số xếp thứ 12, kinh tế số xếp thứ 22, xã hội số xếp thứ 14.
Tỉnh đã hoàn thành 22 chỉ tiêu trong 39 chỉ tiêu theo kế hoạch hoạt động năm 2023 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ đạt mức xấp xỉ 100%; hồ sơ thủ tục hành chính xử lý trực tuyến trên 97%; hồ sơ thủ tục hành chính thực hiện số hóa cấp tỉnh đạt trên 98%; thanh toán trực tuyến các dịch vụ công với gần 26.500 giao dịch với tổng số tiền gần 120 tỷ đồng.
Đặc biệt, ngày 30/6 vừa qua, tỉnh đã khai trương phần mềm tài nguyên và môi trường tỉnh Bình Phước, chính thức quyết tâm tập trung triển khai số hóa lĩnh vực đất đai với mục tiêu đến cuối năm 2023, 100% toàn bộ thông tin đất đai trên toàn tỉnh được số hóa và đưa vào cơ sở dữ liệu để khai thác. Đây là những kết quả bước đầu để Bình Phước tiếp tục có lộ trình chuyển đổi số phù hợp trong thời gian tới.
Đại biểu tham quan, trải nghiệm sản phẩm tại các gian hàng của các công ty, đơn vị.
Các công ty cung cấp nền tảng số, giải pháp số mang đến nhiều giải pháp, sản phẩm cho các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện ứng dụng chuyển đổi số.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Quang phát biểu bế mạc hội thảo.