Bình Phước nỗ lực nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong chi trả chính sách an sinh xã hội và thúc đẩy Đề án 06 về đích như kế hoạch.
Với mục tiêu tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động quản lý nhà nước, tổ chức thực hiện các chính sách xã hội, tạo điều kiện để người dân tiếp cận các dịch vụ thuận lợi, ngành lao động - thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm số hóa chi trả an sinh xã hội.
Đây là nỗ lực của Bình Phước nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong chi trả chính sách an sinh xã hội và thúc đẩy Đề án 06 về đích như kế hoạch.
Đảm bảo lợi ích tối đa cho người dân
Ông Phạm Văn Bảo, ngụ khu phố Phú Trung, phường An Lộc, thị xã Bình Long bị tai biến và không thể đi lại được. Sau khi xét hoàn cảnh gia đình, ông Bảo được cán bộ LĐ-TB&XH phường cùng với nhân viên Ngân hàng Thương mại cổ phần Nam Á chi nhánh Bình Long đến tận nhà hỗ trợ mở tài khoản, giúp ông bà không phải đi lại.
Bà Nguyễn Thị Hạnh (vợ ông Bảo) cho biết: Các chế độ, chính sách được chi trả qua tài khoản cá nhân rất thuận tiện, nhất là người cao tuổi, bởi không mất thời gian đi lại, dễ dàng thanh toán các khoản phí sinh hoạt gia đình như điện, nước…
Chi trả trợ cấp an sinh xã hội qua tài khoản ngân hàng càng thiết thực hơn đối với những trường hợp khuyết tật như ông Nguyễn Minh Phương ở phường An Lộc. Nhiều năm nay, việc đi lại của ông phải phụ thuộc vào chiếc xe lăn. Vì vậy, tiền trợ cấp hằng tháng trả qua tài khoản sẽ thuận tiện hơn khi người thân của ông có thể rút bất kỳ lúc nào tại các trụ ATM gần nhà.
“Hằng tháng, vợ tôi không phải lên trụ sở UBND phường ký, nhận tiền mặt. Thay vào đó, tiền sẽ được chuyển vào tài khoản cá nhân, thuận tiện trong mua sắm và khám, chữa bệnh” - ông Phương chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Như, công chức phụ trách lĩnh vực LĐ-TB&XH phường An Lộc cho biết: Phường có 545 đối tượng đang hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng về lĩnh vực bảo trợ xã hội. Việc chuyển thói quen từ nhận tiền mặt sang chuyển khoản ngân hàng cũng không phải dễ dàng.
Vì vậy, phường đã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, khuyến khích, hỗ trợ các đối tượng chính sách mở tài khoản ngân hàng. Việc chi trả trợ cấp qua tài khoản đã góp phần bảo đảm chi kịp thời, nhanh chóng, công khai, minh bạch và tiết kiệm chi phí hành chính trong thực hiện chính sách an sinh.
Thực hiện chi trả chế độ cho các đối tượng bảo trợ xã hội qua tài khoản ngân hàng, Phòng LĐ-TB&XH thị xã Bình Long đã phối hợp các ngân hàng hỗ trợ mở tài khoản và làm thẻ ATM để chi trả tiền theo chế độ hằng tháng qua tài khoản. Các ngân hàng cũng có nhiều chính sách hỗ trợ để kích cầu khách hàng ở lĩnh vực này.
Chị Trương Thị Hồng Phương, Phó phòng Kinh doanh, Ngân hàng TMCP Nam Á chi nhánh Bình Long chia sẻ: “Bên cạnh phân công nhân sự hỗ trợ tận nhà, ngân hàng còn có nhiều chính sách ưu đãi hằng tháng cho khách hàng. Qua đó góp phần cùng với tỉnh hoàn thành mục tiêu đối tượng chính sách nhận trợ cấp hằng tháng qua tài khoản”.
“Thị xã Bình Long hiện có 2.522 người có công và đối tượng bảo trợ xã hội nhận trợ cấp hằng tháng. Trong đó chỉ còn khoảng 10 trường hợp chưa mở tài khoản ngân hàng. Đây đều là những đối tượng mới được bổ sung, cập nhật, một số trường hợp chưa đủ hồ sơ… Phòng LĐ-TB&XH thị xã đang tiếp tục phối hợp phường, xã và ngân hàng đến từng nhà để hỗ trợ, phấn đấu 100% đối tượng hưởng chế độ an sinh xã hội có tài khoản ngân hàng vào cuối tháng 4 này” - bà Trần Kim Phượng, Trưởng phòng LĐ-TB&XH thị xã Bình Long nhấn mạnh.
Rà soát, làm sạch dữ liệu cá nhân
Chi trả an sinh xã hội qua tài khoản còn giúp công tác quản lý nhà nước về an sinh xã hội của các cơ quan chuyên môn và chính quyền các cấp thuận lợi hơn. Đặc biệt là giám sát chặt chẽ, đảm bảo tính công khai, minh bạch trong triển khai thực hiện các chính sách an sinh xã hội.
Toàn tỉnh hiện có 21.514/27.455 đối tượng hưởng trợ cấp thường xuyên đã có tài khoản, chiếm 78,4%, trong đó đã thực hiện chi trả qua tài khoản 19.912/ 21.514 đối tượng, đạt 92,55%. “Tại một số địa phương vùng sâu, vùng xa, có đông đồng bào dân tộc thiểu số, bên cạnh đối tượng đặc thù, người khuyết tật, người yếu thế thì vẫn còn nhiều người cao tuổi không sử dụng điện thoại thông minh, điểm rút tiền mặt ATM cũng chưa nhiều. Vì vậy, việc thực hiện chi trả chế độ an sinh qua tài khoản cũng cần linh hoạt và phù hợp tình hình thực tế” - bà Phạm Thị Mai Hương, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết.
Việc triển khai chi trả không dùng tiền mặt đối với đối tượng bảo trợ xã hội không phát sinh thủ tục hành chính, không làm thay đổi quy trình xử lý đối với các công tác liên quan đến chi trả cho đối tượng bảo trợ xã hội. Mặt khác, việc chi trả theo phương thức này cũng làm tăng khả năng tiếp cận dịch vụ thanh toán số của nền kinh tế.
Cơ sở dữ liệu về các đối tượng được hưởng chính sách an sinh xã hội từ ngành LĐ-TB&XH đang được kết nối, chia sẻ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an. Bình Phước đang nỗ lực hoàn thành tiến độ rà soát, cập nhật và làm sạch dữ liệu an sinh xã hội, người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, trẻ em và người lao động phục vụ kết nối, chia sẻ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội đăng ký mở tài khoản, nhận trợ cấp qua tài khoản ngân hàng. Đây chính là điều kiện quan trọng để chi trả đúng người, đúng đối tượng. Qua đó, thúc đẩy Đề án 06 về đích.