Thanh tra Chính phủ vừa có báo cáo kết luận về nội dung công dân tố cáo UBND tỉnh Bình Thuận khi giao đất không qua đấu giá quyền sử dụng đất để triển khai 4 dự án đầu tư trên địa bàn. 

4 dự án bị tố cáo giao đất không qua đấu giá gồm: Dự án lấn biển, bố trí sắp xếp lại dân cư và chỉnh trang đô thị P.Đức Long, TP.Phan Thiết (tên thương mại là Hamubay) do Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Trường Phúc Hải (Công ty Trường Phúc Hải) làm chủ đầu tư; 

Dự án khu dịch vụ du lịch cộng đồng Biển Quê Hương (Biển Quê Hương) tại xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam và xã Tiến Thành, TP.Phan Thiết do Công ty CP Giao nhận vận tải và Hoá chất Việt Nam làm chủ đầu tư; 

Dự án Khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2 tại khu phố 5, P.Phú Hài, TP.Phan Thiết do Công ty CP Tân Việt Phát làm chủ đầu tư; và dự án Trường Mầm non Lê Quý Đôn, P.Phú Thuỷ, TP.Phan Thiết do Công ty TNHH Giáo dục và Đầu tư Hoà Thắng làm chủ đầu tư. 

Chưa hoàn thành lấn biển đã giao đất 

Dự án Hamubay có tổng diện tích khoảng 130ha, gồm 96ha khu vực phía đồi và 34,1ha khu vực phía biển. Thời điểm kiểm tra, toàn bộ 96ha phía đồi chưa giải phóng mặt bằng và chủ đầu tư chưa được giao đất. 

Trong 34,1ha phía biển, có 7,2ha đất ven biển do các hộ gia đình, cá nhân sử dụng chưa giải phóng mặt bằng. Gần 27ha còn lại là mặt nước biển, trong đó có 4,8ha là đất do 411 hộ dân sử dụng nhưng đã bị nước biển xâm thực. Toàn bộ 4,8ha này chưa được xem xét chính sách bồi thường, hỗ trợ về đất hoặc tài sản. 

Tuy vậy, thời điểm kiểm tra, 27ha mặt nước biển tại dự án Hamubay đã được UBND tỉnh Bình Thuận giao và cho Công ty Trường Phúc Hải thuê để xây kè và san lấp biển. Tỉnh chưa duyệt giá thu tiền sử dụng đất và thuê đất nhưng chủ đầu tư đã tạm nộp 248 tỷ đồng. 

{keywords}
Tỉnh Bình Thuận giao 27ha mặt nước biển cho chủ đầu tư dự án Hamubay trái quy định.

Theo Thanh tra Chính phủ, UBND tỉnh Bình Thuận giao mặt nước biển cho chủ đầu tư dự án Hamubay xây kè và san lấp biển chưa đúng trình tự, thủ tục bởi theo quy định tỉnh chỉ được giao các khu vực biển này khi chủ đầu tư hoàn thành việc lấn biển. 

Đối với dự án Biển Quê Hương do Công ty CP Giao nhận vận tải và Hoá chất Việt Nam làm chủ đầu tư, dự án này có quy mô 12,5ha. Trong đó có 10,5ha thuộc xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam và 2,06ha thuộc xã Tiến Thành, TP.Phan Thiết. 

Thời điểm năm 2016, khi UBND tỉnh Bình Thuận có quyết định chủ trương đầu tư, toàn bộ 12,5ha đất dự án được xác định thuộc huyện Hàm Thuận Nam. Đây là địa bàn có điều kiện kinh tế khó khăn nên chủ đầu tư được miễn tiền thuê đất

Năm 2018, do xác định dự án có 2,06ha thuộc xã Tiến Thành, TP.Phan Thiết nên UBND tỉnh đã điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh quy hoạch và giao đất không thu tiền sử dụng đất đối với phần đất này cho cho Công ty TNHH Biển Quê Hương – Phan Thiết đầu tư các công trình công cộng, không kinh doanh. 

Trong khi đó, 10,5ha đất còn lại của dự án Biển Quê Hương được UBND tỉnh Bình Thuận cho thuê đất với hình thức thu tiền một lần để chủ đầu tư sử dụng vào mục đích thương mại dịch vụ.  

Do đó, Thanh tra Chính phủ kết luận nội dung công dân tố cáo UBND tỉnh Bình Thuận giao đất, cho thuê đất để nhà đầu tư thực hiện dự án Biển Quê Hương nhưng không qua đấu giá quyền sử dụng đất là không có cơ sở. 

Lấy giá khởi điểm đấu giá năm 2015 để thu tiền sử dụng đất năm 2017

Về dự án Dự án Khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2, P.Phú Hài, TP.Phan Thiết của Công ty CP Tân Việt Phát, dự án này có quy mô 9,2ha, gồm 3 lô đất. Khu đất thực hiện dự án có nguồn gốc là đất nghĩa trang tập trung. 

Năm 2013, UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt giá khởi điểm 111 tỷ đồng để bán đấu giá. Từ năm 2013 – 2015, dù đã công khai thông báo bán đấu giá 6 lần nhưng vẫn không có nhà đầu tư nào tham gia. 

Do đó, theo Thanh tra Chính phủ, 9,2ha đất thuộc dự án nói trên đủ điều kiện để UBND tỉnh Bình Thuận xem xét giao đất, cho thuê đất không qua đấu giá quyền sử dụng đất. 

Sau khi được giao và thuê 9,2ha đất tại dự án, tháng 5/2017, Công ty CP Tân Việt Phát đã nộp 111 tỷ đồng tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, lệ phí trước bạ nhà, đất vào ngân sách. 

Tuy nhiên, Thanh Tra Chính phủ cho rằng, UBND tỉnh Bình Thuận sử dụng giá khởi điểm để đấu giá công khai lần cuối cùng vào tháng 11/2015 để thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất vào tháng 3/2017 là chưa đúng quy định. 

Tháng 4/2021, UBND tỉnh Bình Thuận đã phê duyệt dự toán kinh phí xác định giá đất cụ thể làm cơ sở thu tiền sử dụng đất đối với dự án này. Cơ quan có thẩm quyền đang tiến hành thủ tục đấu thầu lựa chọn đơn vị tư vấn để xác định giá đất cụ thể. 

Với dự án Trường Mầm non Lê Quý Đôn, đây là dự án trường mầm non bán trú chuẩn quốc gia, diện tích đất 4.766,8m2. Khu đất này là đất công do Nhà nước quản lý. 

Thời điểm có quyết định chủ trương đầu tư, dự án này thuộc danh mục ngành nghề ưu đãi đầu tư, được miễn tiền sử dụng đất. Trước khi quyết định chủ trương đầu tư, UBND tỉnh Bình Thuận thông báo mời gọi đầu tư nhưng chì có một nhà đầu tư tham gia. Do vậy, dự án thuộc trường hợp cho thuê đất không qua đấu giá. 

Về một số vi phạm trong việc giao đất, cho thuê đất tại dự án Hamubay và dự án Khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND tỉnh "tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm". 

Tại dự án Hamubay, nếu chủ đầu tư không đủ năng lực thực hiện dự án, để dự án chậm tiến độ mà không có lý do chính đáng thì thu hồi chủ trương đầu tư, thu hồi đất theo quy định. 

Còn với dự án Khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2, phải khẩn trương xác định lại giá đất cụ thể để thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của chủ đầu tư. 

Diện tích tối thiểu đất ở được tách thửa tại Bình Thuận là bao nhiêu?

Diện tích tối thiểu đất ở được tách thửa tại Bình Thuận là bao nhiêu?

So với quy định trước đây, diện tích tối thiểu các thửa đất được tách thửa trên địa bàn tỉnh Bình Thuận hầu như thay đổi, có một số điều chỉnh về chiều rộng mặt tiếp giáp đường hiện hữu của thửa đất mới hình thành. 

Anh Phương