Trong năm 2024, Bình Thuận đã và đang thực hiện nhiều giải pháp toàn diện nhằm nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính (CCHC).
Những nỗ lực này không chỉ góp phần hiện đại hóa bộ máy hành chính mà còn tạo dựng niềm tin của người dân và doanh nghiệp vào chính quyền địa phương.
Nền tảng của sự phát triển bền vững
CCHC từ lâu đã trở thành nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển của tỉnh. Để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng một chính quyền hiện đại, chuyên nghiệp, ngay từ đầu năm 2024, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ công tác CCHC nhà nước.
Trên cơ sở đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã xây dựng kế hoạch để triển khai tại đơn vị. Các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ, giải pháp góp phần khắc phục các tồn tại, hạn chế qua kết quả công bố chỉ số CCHC của tỉnh năm 2023.
Bên cạnh đó, công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) được tập trung chỉ đạo, cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả hồ sơ hành chính cho tổ chức, cá nhân được duy trì nề nếp; các TTHC đã được thường xuyên kiểm tra, rà soát, công bố chuẩn hóa và niêm yết công khai.
Tính đến thời điểm hiện tại đã cập nhật công khai trên cơ sở dữ liệu quốc gia và liên kết trang thông tin điện tử các cơ quan, địa phương với 1.994 TTHC, đạt tỷ lệ 100%; 100% các sở, ngành, UBND cấp huyện đều mở chuyên mục và thực hiện công khai, niêm yết TTHC để tổ chức, cá nhân tra cứu, thực hiện.
Song song đó, tổ chức bộ máy được kiện toàn, khắc phục những chồng chéo, vướng mắc của từng cơ quan, đơn vị. Tỉnh đã hoàn thành việc thẩm định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của 18/18 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và Ban Quản lý các khu công nghiệp Bình Thuận; 10/10 huyện, thị xã, thành phố hoàn thành ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND các huyện, thị xã, thành phố; các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức theo các quyết định đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Sở Nội vụ đã thẩm định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của 7 đơn vị sự nghiệp công lập...
Công tác xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số được quan tâm đầu tư nâng cấp và ngày càng hoàn thiện. Tiếp tục phát triển hoàn thiện và đưa vào khai thác sử dụng hiệu quả các nền tảng số do tỉnh đầu tư: Hệ thống thông tin quản lý văn bản và điều hành; Hệ thống thông tin giải quyết TTHC được triển khai đồng bộ trên phạm vi toàn tỉnh, kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia, CSDL quốc gia về dân cư, kết nối các hệ thống thông tin của bộ, ngành Trung ương... Cùng với đó, việc ứng dụng dữ liệu số, ứng dụng dịch vụ phục vụ người dân, doanh nghiệp, hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ nội bộ được xây dựng, phát triển và kết nối đồng bộ; dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến ngày càng được mở rộng.
CCHC gắn chuyển đổi số
Bước vào giai đoạn mới, Bình Thuận tiếp tục xây dựng kế hoạch CCHC nhà nước năm 2025 trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết số 76 của Chính phủ về ban hành chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021 - 2030. Xây dựng và triển khai Đề án thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh theo quy định của Chính phủ.
Đồng thời, tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp nâng cao các chỉ số PAR, PAPI, SIPAS, PCI trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 theo Chỉ thị số 11 của Tỉnh ủy. Công khai minh bạch các quy định, thông tin để người dân, doanh nghiệp biết với nhiều hình thức đa dạng, phong phú dễ tiếp cận tìm hiểu, thực hiện.
Đi đôi với đó, tập trung thực hiện cải cách TTHC gắn với việc thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, trong đó cần tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện số hóa các giấy tờ, TTHC, ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu đất đai, hộ tịch, sử dụng các dịch vụ công trực tuyến… trong quản lý và giải quyết TTHC, từ đó sẽ góp phần giảm giấy tờ hành chính, chi phí thời gian, chi phí không chính thức của người dân, doanh nghiệp.
Đồng thời, tổ chức kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ cải thiện các chỉ số đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương và đối với từng cán bộ, công chức, viên chức, để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, có hành động khắc phục cụ thể đối với các khuyết điểm hạn chế.
Thực hiện tuyên truyền công tác CCHC với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp để cán bộ, công chức và nhân dân, doanh nghiệp hưởng ứng, góp phần cải thiện các chỉ số của tỉnh; tiếp tục thực hiện các mô hình, sáng kiến trong công tác CCHC trên địa bàn tỉnh...
Những thành tựu đạt được trong công tác CCHC là minh chứng cho quyết tâm của tỉnh trong việc xây dựng một chính quyền hiện đại, minh bạch và thân thiện.
Thời gian tới, với những nhiệm vụ và giải pháp có trọng tâm trọng điểm, tỉnh không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp mà còn đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của địa phương.
Theo THU HÀ (Báo Bình Thuận)