Giảm 3 bậc so 2021
Đại diện lãnh đạo Sở TT&TT cho biết: Theo Đề án “Xác định Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và của quốc gia” do Bộ TT&TT ban hành, Chỉ số DTI cấp tỉnh được cấu trúc theo 3 trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, bao gồm 9 chỉ số đánh giá chính với 98 chỉ số thành phần.
Năm 2022, kết quả xếp hạng chung DTI của tỉnh đạt thứ hạng 50, giảm 3 bậc so với năm 2021, trong đó có một số nhóm chỉ số đạt thứ hạng thấp như nhân lực số và hoạt động chính quyền số thứ hạng 53, tiếp đến là hạ tầng số thứ hạng 49, hoạt động xã hội số thứ hạng 38...
Theo phân tích của Sở TT&TT, nguyên nhân đầu tiên khiến nhóm chỉ số nhân lực số đạt thấp là do nguồn nhân lực tham mưu triển khai về chuyển đổi số của tỉnh còn hạn chế, không có công chức, viên chức làm công tác về an toàn thông tin mạng.
Bên cạnh đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng về chuyển đổi số chưa thường xuyên và thiếu tính đa dạng cho các đối tượng khác nhau. Mặt khác, công tác tuyển sinh thu hút sinh viên học chuyên ngành công nghệ thông tin của các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn tỉnh còn hạn chế.
Đối với nhóm chỉ số hoạt động chính quyền số, nguyên nhân là do chậm triển khai các nền tảng số theo yêu cầu của Bộ chỉ số; chưa triển khai kết nối đầy đủ các dịch vụ dữ liệu trao đổi qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia do một số dịch vụ dữ liệu kết nối chưa có tài liệu kỹ thuật để triển khai kết nối.
Ngoài ra, các sở, ngành và địa phương chưa có giải pháp hiệu quả để nâng cao tỷ lệ hồ sơ trực tuyến. Riêng về nhóm hạ tầng số, tỉnh chưa triển khai nhiều các nền tảng số dùng chung; Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh chưa hoàn thành việc nâng cấp nên chưa đảm bảo hạ tầng để kết nối Nền tảng điện toán đám mây Chính phủ theo yêu cầu của Bộ TT&TT.
Đồng thời chưa triển khai ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) trong nền tảng số; hiện nay, nền tảng số dùng chung trên phạm vi quốc gia giao các bộ, ngành Trung ương triển khai chưa hoàn thành để các địa phương áp dụng, nếu địa phương xây dựng, triển khai sẽ dẫn đến trùng nhau, lãng phí...
90 ngày đêm nâng cao chỉ số DTI
Theo lãnh đạo Sở TT&TT, Bộ chỉ số DTI cấp tỉnh có mục tiêu theo dõi, đánh giá một cách thực chất, khách quan và công bằng kết quả thực hiện chuyển đổi số hằng năm của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Chính vì vậy, để nâng cao chỉ số DTI của tỉnh trong năm 2023 và các năm tiếp theo, Sở đã kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo người đứng đầu các sở, ban, ngành và địa phương phát huy cao nhất vai trò, trách nhiệm trong chỉ đạo tổ chức triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số liên quan đến Bộ chỉ số DTI cấp tỉnh...
Đối với Sở TT&TT sẽ tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai chiến dịch cao điểm 90 ngày đêm “Nâng cao chỉ số Chuyển đổi số (DTI) tỉnh Bình Thuận năm 2023”.
Đồng thời tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định giao nhiệm vụ thực hiện các chỉ số thành phần theo Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số cấp tỉnh nhằm nâng cao chỉ số DTI của tỉnh trong các năm 2023 và các năm tiếp theo; Quyết định thành lập Tổ giúp việc triển khai chỉ số DTI hàng năm của tỉnh.
Xây dựng phần mềm ứng dụng phục vụ công tác theo dõi kết quả triển khai các nhiệm vụ nâng cao chỉ số DTI của tỉnh... Với tinh thần trách nhiệm cao, nhìn thẳng vào những hạn chế yếu kém để khắc phục, hy vọng những giải pháp trên sẽ phát huy hiệu quả, góp phần cải thiện chỉ số DTI của tỉnh trong thời gian tới.
Theo Thu Hà (Báo Bình Thuận)