Nhắc đến blockchain, người ta thường nhớ đến tiền điện tử. Song, các nước như Singapore đang ứng dụng blockchain không chỉ trong lĩnh vực tài chính mà còn là y tế, giáo dục, thương mại…

Blockchain, công nghệ nền tảng của hầu hết tiền điện tử, đang được ứng dụng trong mọi ngành công nghiệp. Từ khu vực công đến công ty tư nhân như bất động sản, hàng không, lưu trữ đám mây… đều dùng công nghệ này để mang đến sự minh bạch và an toàn cho hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ.

Singapore “bơm” 12 triệu USD củng cố hệ sinh thái blockchain 

Tương tự các nước phát triển, Singapore cũng tận dụng và phát triển blockchain để phục vụ cho mục đích riêng của mình. Theo hãng tư vấn PWC, 82% lãnh đạo doanh nghiệp Singapore tham gia khảo sát cho biết đang nghiên cứu các sáng kiến blockchain. 13% trong số này đã đưa sáng kiến ra thực tiễn.

{keywords}
 

Bản thân chính phủ Singapore đã phát triển một nguyên mẫu mạng lưới thanh toán dựa trên nền tảng blockchain, cho phép thực hiện thanh toán bằng nhiều loại tiền khác nhau trên cùng một mạng. Nguyên mẫu có thể phục vụ như một phép thử để cộng tác với các ngân hàng trung ương khác một cách thuận lợi, hướng đến hạ tầng thanh toán xuyên biên giới thế hệ tiếp theo.

Đây chính là giai đoạn 5 trong Dự án Ubin do Ngân hàng trung ương Singapore (MAS) bắt tay cùng nhiều viện tài chính và hãng công nghệ blockchain R3. Nhiệm vụ của liên minh là khám phá công dụng của blockchain và công nghệ sổ cái phân tán (DLT) để xác nhận và thông qua các khoản thanh toán, chứng khoán, lợi ích của nó cũng như tác động khi sở hữu một đồng SGD được token hóa trong DLT. Theo ông Sopnendu Mohanty, Giám đốc công nghệ tài chính (fintech) MAS, dự án xây dựng nền tảng kiến thức, chuyên gia và kinh nghiệm vững chắc, mở đường cho ứng dụng thương mại.  

Cuối năm 2020, Singapore công bố Chương trình đổi mới blockchain Singapore trị giá 12 triệu USD nhằm củng cố hệ sinh thái blockchain trong nước, đẩy nhanh quá trình phát triển, thương mại hóa, ứng dụng công nghệ blockchain trong đời thực. Chương trình có sự tham gia của 75 công ty, tập đoàn lớn, nghiên cứu 16 dự án liên quan đến blockchain trong vòng 3 năm trong các lĩnh vực như thương mại, logistics.

Bên cạnh mục đích chuyển hóa các nghiên cứu thành ứng dụng thực tế, chương trình còn tìm cách kích hoạt sử dụng blockchain trong các môi trường vốn có phí giao dịch cao và tăng cường tài năng công nghệ blockchain.

Theo Báo cáo Hệ sinh thái blockchain Singapore năm 2020, Singapore là trung tâm quan trọng đối với hoạt động nghiên cứu và thương mại hóa blockchain. Báo cáo chỉ ra đại dịch Covid-19 đã đẩy nhanh quá trình ứng dụng blockchain. Singapore có số lượng ấn phẩm nghiên cứu liên quan đến blockchain cao nhất khu vực Đông Nam Á – 162 trong 15 năm, chiếm khoảng 2,25% toàn cầu.

Đa dạng ứng dụng blockchain tại Singapore

Dịch vụ thương mại điện tử toàn cầu (GeTS), một công ty con của CrimsonLogic, đã ra mắt Open Trade Blockchain (OTB). Nó được xây dựng dành cho các cộng đồng thương mại để giúp cho giao dịch thương mại toàn cầu hiệu quả, an toàn và minh bạch hơn.

Đây là blockchain xuyên biên giới cho thương mại đầu tiên trên thế giới, kết nối với Sáng kiến Vành đai con đường (BRI) và Hành lang giao thông phía Nam (STC) của Trung Quốc. OTB nâng cao tính bảo mật của các tài liệu thương mại như hóa đơn, chứng từ, chứng nhận. Nó cũng duy trì sự minh bạch và lòng tin giữa bên giao hàng, khách hàng và vận tải.

Trong số các nước Đông Nam Á, Singapore được xem là nước đầu tiên bắt đầu tận dụng tiềm năng của blockchain trong ngành hàng không. Công nghệ giúp mọi mắt xích liên quan, như đội bay, nhân viên, nhân viên dịch vụ mặt đất và hành khách truy cập thông tin chi tiết, cập nhật nhất về giờ khởi hành, giờ đến nơi hay các chuyến bay bị hoãn. 

Một lĩnh vực khác được hưởng lợi từ blockchain là giáo dục. Ứng dụng blockchain giúp ban lãnh đạo và các trường đại học nhanh chóng xác minh điểm số hay hiệu quả làm việc của sinh viên/nhân viên bằng hợp đồng thông min (smart contract). Ngee Ann Polytechnic, ra đời năm 1963, là học viện đầu tiên tại Singapore dùng blockchain để kiểm tra bằng cấp. Nhân viên trong trường có thể hỏi Blockchain ID của sinh viên khi mới nhập học để truy xuất hồ sơ và lịch sử học tập lưu trong blockchain. Đại học Quốc gia Singapore lại đưa ra các lớp học về blockchain cho sinh viên, hợp tác với IBM để xây dựng chương trình xoay quanh công nghệ sổ cái phân tán.

Đối với khu vực công, Bộ phận Dịch vụ công đã tuyên bố chính phủ Singapore sẽ ứng dụng công nghệ blockchain cho các công việc như: xác minh hồ sơ của nhà sản xuất trên Gebiz (cổng thông tin thương mại điện tử một cửa của Singapore); theo dõi sự nghiệp của một viên chức hay cải tiến/thay thế quy trình kiểm toán.

Blockchain cũng phát huy tác dụng trong lĩnh vực thực phẩm. Số liệu của Tổ chức Y tế thế giới cho biết, mỗi năm, có 1 trong 10 người bị bệnh do ăn phải thực phẩm bẩn. Ứng dụng blockchai cho ngành thực phẩm sẽ cung cấp thông tin xác thực cho nhà cung ứng và người tiêu dùng về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm. Cơ quan IPI thuộc Bộ Thương mại và công nghiệp Singapore đang phát triển dự án thực phẩm blockchain, theo đó, nền tảng sẽ được dùng để truy vết thông tin sản phẩm và nguyên vật liệu từ tất cả những người tham gia chuỗi sản xuất thức ăn. Giải pháp dựa trên blockchain bảo đảm tiêu chuẩn lưu trữ và quản lý dữ liệu hiện đại, duy trì chất lượng thực phẩm và giảm lãng phí.

Trong dịch Covid-19, chính phủ Singapore áp dụng tiêu chuẩn mới để bảo vệ các tài liệu y tế liên thông dựa trên công nghệ sổ cái phân tán. Chính phủ công bố HealthCerts – một bộ tiêu chuẩn kỹ thuật số trong cấp kết quả xét nghiệm Covid-19 và chứng nhận tiêm chủng điện tử, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và yêu cầu của chính phủ. Từ ngày 10/3, người dân tiến hành xét nghiệm Covid-19 tại các cơ sở y tế được ủy quyền tại Singapore sẽ nhận kết quả dưới dạng chứng nhận điện tử và lưu trong HealthCerts, cũng như ứng dụng SingPass. Sau khi được cấp và lưu trên blockchain, nhà chức trách trong và ngoài nước có thể xác minh để tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình nhập cảnh.

Du Lam

“Đà Nẵng có thể thành thành phố trung tâm trí tuệ và “hóa rồng” như Singapore”

“Đà Nẵng có thể thành thành phố trung tâm trí tuệ và “hóa rồng” như Singapore”

Đà Nẵng có khả năng tận dụng cơ hội rộng mở để phát triển trở thành thủ phủ công nghiệp phần mềm game và trung tâm khởi nghiệp công nghệ cao.