Sáng 21/2, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm "Đại dịch Covid-19 và chính sách đối với nhân viên y tế".
Tại sao ngành y không áp dụng phụ cấp 1,8 như lực lượng vũ trang?
Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Y tế đã hết sức quan tâm đến chính sách của nhân viên y tế. Chẳng hạn như nâng phụ cấp lên 2 lần so với quy định cũ, đã phần nào bù đắp đối với lực lượng tuyến đầu tham gia công tác phòng chống dịch.
Ngoài ra còn có chế độ tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 là 7.500 đồng/mũi/kíp tiêm; chế độ đối với người tình nguyện như học sinh, sinh viên tại các trường đại học, cao đẳng; người có chuyên môn không hưởng lương từ ngân sách nhà nước… để hưởng phụ cấp chống dịch.
Cán bộ y tế tham gia chống dịch được hỗ trợ theo 3 mức từ 150.000 - 300.000 đồng/người/ngày tương ứng với từng công việc, và hỗ trợ tiền ăn, chi phí phục vụ sinh hoạt trong thời gian phải ở lại chống dịch.
Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên |
Bên cạnh đó còn nâng phụ cấp phòng chống dịch lên 1,5 lần đối với người lao động, bao gồm cả người tình nguyện, sinh viên, học sinh và người có chuyên môn không hưởng lương ngân sách nhà nước làm việc tại cơ sở thu dung, điều trị tại TP.HCM, Đồng Nai, Long An, Bình Dương và BV Bệnh nhiệt đới Trung ương trong thời gian từ 1/8-31/10/2021…
“Tôi cho rằng, nhiều nghị quyết của Quốc hội, nhiều chỉ đạo của Chính phủ, hướng dẫn của các bộ, ngành nhằm bảo đảm chế độ cho nhân viên y tế, nhưng vẫn chưa đủ”, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nói.
Vì vậy, Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành rà soát lại các chế độ, chính sách để có những chính sách kịp thời để bù đắp phần nào sự hy sinh, những tổn thất đối với nhân viên y tế - lực lượng tuyến đầu chống dịch.
Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội khóa XIV Bùi Sỹ Lợi cho rằng, hệ thống pháp luật hiện nay là đầy đủ chưa đề phòng hết được chính sách đãi ngộ cho ngành y tế như đại dịch Covid-19.
Theo ông, cơ chế chính sách của ngành y tế có một số nút thắt lớn về thể chế cần phải tập trung tháo gỡ để cán bộ ngành y tế được hưởng thù lao thoả đáng và chúng ta phải điều chỉnh bảng lương. Đó là ngành y được đào tạo dài hơn các ngành khác nên cần thiết phải thiết kế bảng lương phù hợp với quá trình đào tạo.
Nhiều ý kiến cho rằng các chính sách đãi ngộ cho bác sĩ, nhân viên y tế trong phòng chống dịch Covid-19 hiện nay là chưa đủ. Ảnh: Thanh Tùng |
“Ngành y tế là chăm lo cho sức khoẻ của người dân, bảo vệ tính mạng con người như lực lượng vũ trang bảo vệ nhân dân. Tại sao ngành y tế không cho áp dụng phụ cấp 1,8 như lực lượng vũ trang?”, ông Lợi băn khoăn và đề nghị cần có phụ cấp đặc biệt với lực lượng này.
Vận dụng mọi cách, mọi nguồn lương cao nhất cũng chỉ 9 triệu
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội nêu hàng loạt khó khăn của ngành y trong phòng chống dịch trong đó có thu nhập của các y, bác sĩ.
Nêu thực tế, BV Đại học Y Hà Nội đang cố gắng hết sức để nhân viên y tế có thu nhập bằng như trước khi đại dịch, bác sĩ cho biết, nhiều bệnh viện khác hầu như bị cắt giảm hết tiền thu nhập tăng thêm, chỉ còn lương cơ bản...
Vì vậy, trong nhiều việc cần làm trong thời gian, trước mắt cần làm sao để nâng cao được thu nhập, ổn định được đời sống vật chất cũng như tinh thần của nhân viên y tế.
Ông mong muốn Chính phủ sớm có hướng dẫn Nghị quyết 12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Nghị quyết có tính chất quyết định trong việc thay đổi hoạt động của hệ thống y tế trong phòng, chống dịch giai đoạn mới) đi vào cuộc sống. Bởi hiện nay rất khó khăn trong việc dự toán, thanh quyết toán kinh phí điều trị Covid-19 và chi phí phòng, chống dịch do chưa có nghị định hướng dẫn.
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu |
Dẫn thực tế hiện nay, 1 điều dưỡng viên của BV Đại học Y Hà Nội cơ sở Hoàng Mai tổng thu nhập 1 tháng được 9 triệu dù đã vận dụng mọi cách, mọi nguồn nhưng chỉ chi được đến thế, ông đề nghị phải có chính sách chi trả cho con người, cho nhân viên y tế sau chi lương hợp đồng và phụ cấp để bảo đảm điều trị Covid-19 lâu dài. Bác sĩ phải có thu nhập tăng thêm phần đã được thanh toán.
Cùng với đó là cần có cơ sở pháp lý để đơn vị tiếp nhận nguồn nhân lực điều trị bệnh nhân Covid-19 để làm cơ sở thanh toán, chi trả cho nhân sự khi được tuyển dụng.
Một vấn đề nữa theo bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu, nhà nước cần có chính sách miễn thuế đối với những đơn vị huy động các nguồn lực tiền, tài sản… phục vụ phòng, chống dịch Covid-19.
“Bằng mọi cách chúng ta phải có lộ trình rõ ràng để biến Covid-19 thành bệnh lý chuyên khoa, khám chữa bệnh thông thường, không còn dịch nữa thì bệnh này sẽ như viêm phổi, suy tim… vào viện khám, chữa bệnh và chi trả theo bảo hiểm y tế. Lúc đó cuộc sống của chúng ta mới trở lại bình thường như cũ được”, bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu nhấn mạnh.
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, thời gian qua, Bộ Y tế đã trình Chính phủ ban hành mức phụ cấp ưu đãi nghề từ 40% lên 70%, rồi lên 100%. Nội dung này đã được Bộ Chính trị đồng ý về chủ trương. Chính phủ đang giao Bộ Y tế xây dựng sửa đổi Nghị định số 56 ngày 4/7/2021 về chế độ phụ cấp ưu đãi nghề đối với viên chức làm việc trong các cơ sở y tế công lập.
“Tôi nghĩ đây là điều mà các cán bộ nhân viên y tế mong muốn đón nhận. Theo đó nâng phụ cấp lên 100% đối với nhân viên đã được bổ nhiệm chức danh nghề viên chức y tế và thường xuyên làm việc ở y tế dự phòng và các trạm y tế”, Thứ trưởng thông tin.
Còn về giải pháp căn cơ lâu dài, ông Tuyên cho rằng cần chủ động sắp xếp và tối ưu hóa nguồn lực cho công tác phòng chống dịch; có chính sách phân bổ nguồn lực hợp lý giữa y tế dự phòng, y tế cơ sở và y tế điều trị để thực hiện trách nhiệm xã hội và chế độ luân phiên thời hạn giữa viên chức ngành y tế công tác ở từng tuyến và từng cơ sở điều trị…
Thu Hằng
'Chúng tôi không sợ Covid-19, chỉ sợ người dân hoảng loạn, thiếu niềm tin'
"Chúng tôi không sợ Covid-19, chỉ sợ người dân hoảng loạn, thiếu niềm tin. Rất mong người dân bình tĩnh, giảm sức ép đối với các nhân viên y tế".