Sáng 30/7, tại hội nghị quán triệt, triển khai một số luật, nghị quyết của Quốc hội khóa 15, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu quán triệt Quy định số 178 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.
Quy định số 178 của Bộ Chính trị do Thường trực Ban Bí thư Lương Cường vừa ký ban hành nêu rõ các nhóm hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật và việc xử lý trách nhiệm khi vi phạm.
Các hành vi tham nhũng trong công tác xây dựng pháp luật:
Một là cố ý chủ trì ban hành hoặc tham mưu ban hành văn bản quy phạm pháp luật có nội dung thể hiện lợi ích nhóm, cục bộ; cố ý trì hoãn việc đình chỉ, bãi bỏ, thay thế, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật vì mục đích lợi ích nhóm, cục bộ.
Hai là nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất hoặc các lợi ích khác dưới mọi hình thức để ban hành hoặc tác động đến cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong công tác xây dựng pháp luật nhằm ban hành văn bản quy phạm có nội dung thể hiện lợi ích nhóm, cục bộ.
Ba là đưa hối lộ, môi giới hối lộ cho người có thẩm quyền trong công tác xây dựng pháp luật nhằm ban hành văn bản quy phạm pháp luật có nội dung thể hiện lợi ích nhóm, cục bộ.
Bốn là lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao trong công tác xây dựng pháp luật để định hướng truyền thông không bảo đảm khách quan và không đúng sự thật về nội dung chính sách trong công tác xây dựng pháp luật vì vụ lợi.
Năm là lạm quyền, cấu kết với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác để trục lợi trong công tác xây dựng pháp luật.
Sáu là các hành vi tham nhũng, lợi ích nhóm, cục bộ khác trong công tác xây dựng pháp luật theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Quy định của Bộ Chính trị cũng nhận diện rõ các hành vi tiêu cực trong xây dựng pháp luật:
Cụ thể:
Một là cố ý không chấp hành nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục trong công tác xây dựng pháp luật; hoặc cố ý che giấu, báo cáo không trung thực về tình hình thực tiễn, về nội dung ý kiến góp ý; hoặc cố ý đưa những nội dung mới vào dự thảo văn bản khác với những chính sách hoặc nội dung đã được cấp có thẩm quyền thông qua mà không báo cáo cấp lãnh đạo.
Hai là thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý trong công tác xây dựng pháp luật; bao che, cố ý không báo cáo, không xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong cơ quan, tổ chức, địa phương do mình trực tiếp quản lý trong công tác xây dựng pháp luật.
Ba là sử dụng trái quy định tài chính, tài sản công, tài sản của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đóng góp, tài trợ, viện trợ trong công tác xây dựng pháp luật.
Bốn là móc nối, câu kết với các thế lực thù địch, phản động và các phần tử cơ hội, bất mãn chính trị nhằm tuyên truyền tư tưởng, quan điểm trái với chủ trương, quy định của Đảng trong công tác xây dựng pháp luật; thu thập, chuyển giao cho người nước ngoài hoặc tổ chức, cá nhân khác trái quy định; lợi dụng việc phản ánh, góp ý kiến, phản biện xã hội trong công tác xây dựng pháp luật để chống phá Đảng và Nhà nước.
Năm là các hành vi tiêu cực khác trong công tác xây dựng pháp luật theo quy định.
Không xử lý nội bộ với những vi phạm đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự
Quy định 178 dành 1 chương quy định việc xử lý vi phạm theo hướng “phải bị xử lý nghiêm minh theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quy định của cơ quan, tổ chức, đơn vị”.
Với những hành vi chưa có quy định xử lý thì căn cứ vào điều lệ và các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, điều lệ và quy định của các tổ chức, đoàn thể để xử lý cho phù hợp.
Trường hợp đã xử lý kỷ luật, nhưng xét thấy cần thiết thì cấp có thẩm quyền phải kiên quyết điều chuyển người vi phạm khỏi vị trí công tác đang đảm nhiệm, thay thế, cho thôi giữ chức, miễn nhiệm, từ chức, không bố trí công tác liên quan đến hoạt động xây dựng pháp luật.
Trường hợp vi phạm đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng để xử lý theo quy định của pháp luật, không được giữ lại để xử lý nội bộ.
Đối với tổ chức, Quy định 178 yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng để xảy ra hành vi vi phạm, tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ thuộc phạm vi trách nhiệm, thẩm quyền lãnh đạo, chỉ đạo thì xử lý theo quy định của Đảng.
Đối với lãnh đạo, người đứng đầu để xảy ra hành vi vi phạm, tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật thì xử lý theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quy định khác có liên quan.
Ngoài ra, quy định cũng đưa ra các trường hợp được xem xét miễn hoặc giảm trách nhiệm theo quy định của pháp luật về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Lãnh đạo cấp ủy còn được xem xét miễn hoặc giảm hình thức kỷ luật nếu chủ động khai báo vi phạm và xin từ chức trước khi cơ quan có thẩm quyền phát hiện, xử lý, trừ trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Bên cạnh đó, Bộ Chính trị cũng quy định rõ các trường hợp được xem xét loại trừ trách nhiệm và các trường hợp xem xét tăng trách nhiệm.