Bộ Xây dựng cho biết, theo số liệu thống kê, tính đến hết năm 2020, trên cả nước hiện có hơn 1.600 sàn giao dịch bất động sản đăng ký hoạt động. Các sàn giao dịch bất động sản đăng ký hoạt động tập trung chủ yếu tại một số tỉnh/thành phố lớn như: TP.HCM, Hà Nội, Cần Thơ, Bình Dương, Quảng Ninh và một số địa phương khác như Kiên Giang, Đồng Nai, Bình Thuận, Bắc Ninh... nơi tập trung phát triển nhiều dự án bất động sản,dự án khu đô thị mới.
Bộ Công an vừa có văn bản góp ý với Bộ Xây dựng về việc tích hợp sàn giao dịch quyền sử dụng đất với sàn giao dịch bất động sản thành trung tâm dịch vụ công trực thuộc UBND cấp tỉnh, thành phố.
Theo đề xuất của Bộ Xây dựng, các trung tâm giao dịch bất động sản và giao dịch quyền sử dụng đất cấp tỉnh có ba nhiệm vụ chính là quản lý giao dịch bất động sản, quản lý thu thuế và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhà ở.
Tại văn bản tham gia ý kiến, Bộ Công an cơ bản nhất trí với dự thảo báo cáo Thủ tướng về việc nghiên cứu mô hình tích hợp sàn giao dịch quyền sử dụng đất với sàn giao dịch bất động sản.
Bên cạnh đó, Bộ Công an cũng nêu lên một số nội dung đề nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu, bổ sung.
Theo Bộ Công an, với dự kiến thành lập trung tâm giao dịch bất động sản và giao dịch quyền sử dụng đất là đơn vị sự nghiệp công lập nên cần căn cứ quy định về thành lập, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập, cơ chế tài chính; việc thành lập trung tâm này có làm tăng số lượng đơn vị sự nghiệp công lập?...
Ngoài ra, Bộ Công an đề nghị Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ TN-MT nghiên cứu, đề xuất chức năng, nhiệm vụ của trung tâm giao dịch bất động sản và giao dịch quyền sử dụng đất cấp tỉnh.
Đặc biệt là nội dung quy định trung tâm này có chức năng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức, cá nhân.
Lý do, nhiệm vụ này đang do văn phòng đăng ký đất đai trực thuộc sở TN-MT cấp tỉnh phục trách; đồng thời, được quản lý trực tiếp, xuyên suốt về chuyên môn bởi Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai (Bộ TN-MT).
"Trường hợp xác định trung tâm giao dịch bất động sản và giao dịch quyền sử dụng đất cấp tỉnh là đơn vị sự nghiệp công lập của UBND cấp tỉnh, đề nghị xác định cụ thể chủ thể chịu trách nhiệm chính trong việc quản lý chuyên môn đối với từng lĩnh vực của các sở, ngành có liên quan", văn bản của Bộ Công an nêu.
Xem xét xây dựng 2 mô hình là Nhà nước và doanh nghiệp
Cũng liên quan đến đề xuất thành lập trung tâm giao dịch bất động sản Nhà nước, trong văn bản góp ý của Bộ TN-MT, Bộ này cũng thống nhất với đề xuất việc nghiên cứu thành lập trung tâm là đơn vị sự nghiệp công lập được thành lập tại các tỉnh, thành phố.
Ngoài ra, Bộ TN-MT đề nghị Bộ Xây dựng bổ sung đánh giá các nội dung liên quan đến hành lang pháp lý hiện nay đối với việc giao dịch bất động sản (qua các sàn giao dịch bất động sản) theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản; giao dịch quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
Bên cạnh đó, cần đánh giá bổ sung về tình hình hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản (số lượng, mô hình, phạm vi hoạt động…); kết quả, tình hình thực hiện các giao dịch về quyền sử dụng đất qua các năm; tình hình hoạt động của các trung tâm phục vụ hành chính công gắn với giải quyết thủ tục hành chính về đất đai, nghiên cứu kinh nghiệm của nước ngoài.
Bộ TN-MT cũng đề nghị Bộ Xây dựng làm rõ mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể đối với đề xuất thành lập trung tâm giao dịch bất động sản nhà nước.
Đồng thời, xem xét việc xây dựng theo 2 mô hình là trung tâm của Nhà nước và trung tâm của doanh nghiệp để tận dụng các sàn giao dịch bất động sản hiện nay, tránh tạo ra bất ổn xã hội.
“Việc đề xuất theo 2 mô hình này cần thể hiện về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ chế hoạt động, chế độ báo cáo và các giải pháp kỹ thuật (liên thông cơ sở dữ liệu, công chứng…) đối với từng mô hình” – văn bản của Bộ TN-MT nêu.