Tại họp báo thường kỳ Chính phủ vào chiều tối 6/9, báo chí đặt hàng loạt câu hỏi liên quan đến việc làm giá chứng khoán, thao túng, lừa đảo của lãnh đạo FLC đã gây nhiều hệ luỵ, tác động tiêu cực đến sự phát triển của thị trường thời gian qua.

"Xin hỏi trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, nhất là của Ủy ban Chứng khoán, khi để xảy ra vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Công ty FLC vừa bị khởi tố? Cần làm gì để tránh xảy ra các sai phạm tương tự, như trường hợp này, vốn điều lệ được nâng khống từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng, tương ứng 430 triệu cổ phần, sau đó toàn bộ số cổ phần này được bán ra thu về 6.400 tỷ đồng. Bài học gì rút ra từ vụ này?", báo chí đặt câu hỏi.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi

Trả lời, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, trước khi vào họp báo, ông đã xin ý kiến lãnh đạo Bộ Công an với những việc đang trong quá trình điều tra vụ án, cơ quan công an đang tiến hành điều tra. Khi có kết luận điều tra sẽ công bố công khai. Khi đó sẽ làm rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân có liên quan, kể cả tập thể, cá nhân của cơ quan quản lý nhà nước.

“Bộ Tài chính sẽ hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra và Bộ Công an để thực hiện trách nhiệm của mình trong quá trình điều tra vụ án”, Thứ trưởng Tài chính nói.

Về giải pháp để phòng ngừa hiện tượng lừa đảo tương tự vụ FLC, ông Chi cho biết, ngày 5/9, Bộ trưởng Tài chính đã có Chỉ thị 02 chỉ đạo một loạt giải pháp cụ thể để phòng ngừa, chấn chỉnh thị trường chứng khoán. Trong đó bao gồm từ hoàn thiện khung khổ pháp lý, giám sát, kiểm tra hoạt động đăng ký niêm yết, thay đổi cơ cấu vốn của DN, giám sát các giao dịch chứng khoán... Chỉ thị này đã được công bố công khai trên website Bộ Tài chính.

Về điều kiện để ROS, FLC được giao dịch trở lại, Thứ trưởng Tài chính cho hay, khi doanh nghiệp khắc phục các vị phạm và có nguyện vọng, sẽ được xem xét niêm yết, giao dịch trở lại theo quy định của pháp luật.

Cụ thể ở đây, FLC có báo cáo kiểm toán 2021, 6 tháng 2022, tổ chức đại hội cổ đông theo quy định. Cổ phiếu ROS vì không có báo cáo kiểm toán, không tổ chức đại hội cổ đông nên bị huỷ giao dịch.

“Khi nào doanh nghiệp này khắc phục được những vi phạm này và có nguyện vọng đăng ký trở lại thì chúng tôi sẽ chấp nhận”, ông Chi trả lời.

Về quyền lợi của nhà đầu tư bị ảnh hưởng, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, khi bị huỷ giao dịch thì tất nhiên quyền lợi nhà đầu tư bị ảnh hưởng, muốn bán không bán được trên thị trường nữa, rất khó khăn.

"Với trách nhiệm, vì mình sở hữu cổ phiếu, là cổ đông của các doanh nghiệp này thì trách nhiệm của nhà đầu tư là phải có ý kiến, có quyết sách ở đại hội cổ đông, yêu cầu ban điều hành doanh nghiệp thực hiện khắc phục những thiếu sót, vi phạm đó, sớm nhất để đưa những cổ phiếu này được niêm yết và giao dịch trở lại trên thị trường chứng khoán. Khi đó, quyền lợi của các cổ đông, các nhà đầu tư sẽ trở lại và được bảo đảm", Thứ trưởng Bộ Tài chính thông tin.

Trước đó, ngày 27/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố bổ sung tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty CP Xây dựng FLC Faros và các công ty có liên quan đối với ông Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC). 
 
Ngoài ông Quyết, cùng tội danh trên, Cơ quan điều tra khởi tố bổ sung đối với các bị can Trịnh Thị Minh Huế, Trịnh Thị Thúy Nga (em gái ông Quyết) và bà Hương Trần Kiều Dung (cựu Phó chủ tịch Tập đoàn FLC và nguyên chủ tịch Chứng khoán BOS).

Quá trình điều tra mở rộng điều tra vụ án, cơ quan điều tra xác định, từ năm 2014 - 2016, ông Quyết cùng hai em gái và bà Hương Trần Kiều Dung làm thủ tục tăng vốn điều lệ khống từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng tương ứng với 430 triệu cổ phần của CTCP Xây dựng Faros (ROS). Sau khi 430 triệu cổ phiếu ROS trên sàn chứng khoán, nhóm này đã bán chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư.

Theo Bộ Công an, tính đến ngày 24/2/2021, Trịnh Văn Quyết đã chỉ đạo Trịnh Thị Minh Huế bán toàn bộ cổ phiếu ROS mang tên Trịnh Văn Quyết và cổ phiếu ROS mang tên 5 cá nhân khác (do Quyết nhờ đứng tên), thu được tổng cộng hơn 6.400 tỷ đồng và rút tiền mặt để chiếm đoạt.