Bộ Công an dự kiến sẽ trình Chính phủ dự thảo Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân trong năm 2020 (Ảnh minh họa: Internet) |
TạiNghị quyết 17 ngày 7/3/2019 về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025, Chính phủ đã giao Bộ Công an chủ trì xây dựng Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, tổ chức và các văn bản hướng dẫn. Đây được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm xây dựng, hoàn thiện thể chế, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện cho việc triển khai xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, theo quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Công an đang soạn thảo đề nghị xây dựng Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân. Hiện dự thảo đề nghị này đang được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ (Chinhphu.vn) để được lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Đáng chú ý, trong dự thảo tờ trình Chính phủ về đề nghị xây dựng Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân, phân tích về sự cần thiết phải xây dựng và ban hành Nghị định này, Bộ Công an nhấn mạnh, trong thời đại công nghệ số hiện nay, đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ của các công nghệ mang tính đột phá trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân đang ngày càng trở nên cấp thiết.
Cùng với việc điểm qua về vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân trên thế giới, Bộ Công an cho biết, Việt Nam là một trong những nước có tốc độ phát triển và ứng dụng Internet cao nhất thế giới. Số lượng người dùng Internet của Việt Nam đã đạt hơn 64 triệu người, chiếm hơn 2/3 dân số (66%), tăng hơn 19% so với 2018, xếp thứ 13 thế giới về số người dùng, trong đó có 58 triệu tài khoản Facebook, 62 triệu tài khoản Google.
Cơ sở hạ tầng số phát triển nhanh và cơ sở hạ tầng dữ liệu đang được cải thiện. Chính phủ đang quyết liệt chỉ đạo đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số, nền kinh tế số và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. “Tuy nhiên, mức độ ứng dụng công nghệ càng nhiều thì việc cung cấp, sử dụng thông tin cá nhân lại càng lớn. Điều này đặt ra cho Chính phủ bài toán phải quản lý sao cho hiệu quả, đảm bảo phòng ngừa, xử lý được các hành vi vi phạm pháp luật về thông tin cá nhân; đồng thời, đảm bảo phù hợp với Hiến pháp, các quy định của pháp luật Việt Nam cũng như pháp luật quốc tế”, Bộ Công an nêu.
Cũng tại dự thảo tờ trình, Bộ Công an đã nêu ra 5 yêu cầu cơ bản đưa đến việc Việt Nam cần thiết phải xây dựng và ban hành Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Cụ thể, theo phân tích của Bộ Công an, yêu cầu từ sự phát triển kinh tế số và ứng dụng KHCN vào đời sống xã hội. Dữ liệu cá nhân là đầu vào và giá trị vô tận cho nền kinh tế số. Hầu hết các ngành, lĩnh vực đều sử dụng dữ liệu cá nhân để xử lý dữ liệu. Do đó, phải đảm bảo cho thông tin cá nhân được sử dụng đúng mục đích, phục vụ đắc lực cho xã hội, hạn chế tối đa nguy cơ bị sử dụng, lạm dụng và có cơ chế, chế tài xử lý các hành vi vi phạm.
Về yêu cầu từ công tác phòng ngừa, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, Bộ Công an thông tin, hiện nay tình trạng lộ, lọt, hoạt động đánh cắp, mua bán dữ liệu cá nhân diễn ra phổ biến trên không gian mạng. Ngày càng nhiều chủ thể thu thập, phân tích, xử lý dữ liệu cá nhân cho mục đích khác nhau nhưng không thông báo cho khách hàng hoặc để xảy ra các hành vi vi phạm pháp luật. Thách thức trước những dịch vụ mới, sử dụng thông tin cá nhân trên không gian mạng như: thanh toán trực tuyến, thương mại điện tử, trò chơi trực tuyến, kinh doanh tiền ảo... đã đặt ra nhiều vấn đề liên quan tới an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, gây nguy cơ mất an ninh mạng.
Cùng với đó, còn là yêu cầu cấp bách của việc triển khai Chính phủ điện tử và thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Dưới góc độ an ninh, yêu cầu đặt ra với dữ liệu cá nhân được lưu trữ trong các hệ thống của Chính phủ không chỉ là dữ liệu hoạt động thông suốt, bình thường mà phải bảo đảm an ninh dữ liệu, hạn chế tối đa hoặc không để xảy ra tình trạng tấn công, chiếm đoạt dữ liệu cá nhân.
Cũng theo Bộ Công an, việc xây dựng Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân còn xuất phát từ yêu cầu nâng cao nhận thức cho người dân về bảo vệ dữ liệu cá nhân, nhất là các thông tin về lý lịch cá nhân, mối quan hệ, tình trạng sức khỏe, tài chính... để họ nắm rõ và thực hiện đúng các quy định của pháp luật; cũng như yêu cầu phù hợp với quy định của pháp luật một số quốc gia trên thế giới về bảo vệ dữ liệu cá nhân, trong đó có Quy định bảo vệ dữ liệu chung của Liên minh châu Âu (GDPR).
Cũng tại dự thảo tờ trình Chính phủ đề nghị xây dựng Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân, Bộ Công an đề xuất 4 chính sách với mục tiêu, nội dung chính sách và giải pháp thực hiện chính sách, bao gồm: Quy định về dữ liệu cá nhân; Xây dựng quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân; Quy định quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong bảo vệ dữ liệu cá nhân; Quy định chế tài cụ thể đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân được quy định trong Nghị định.
Bộ Công an dự kiến sẽ trình Chính phủ dự thảo Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân trong năm 2020.