Nhiều quy định mới trong dự thảo nghị định kinh doanh xăng dầu đã được Bộ Công Thương giải thích rõ. Trong đó, có những mục tiêu và nguyên tắc điều hành được "cải cách" để đảm bảo tính công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích các bên.
LTS: Thị trường xăng dầu đang trong quá trình 'thanh lọc' khi nhiều đại gia xăng dầu như Xuyên Việt Oil, Hải Hà, Thiên Minh Đức... bị xử lý hình sự. Điều này cho thấy kinh doanh xăng dầu vẫn tồn tại nhiều bất cập về chính sách cũng như năng lực của các doanh nghiệp. Nếu không có những điều chỉnh phù hợp, ngành này sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều vấn đề rắc rối nảy sinh.
VietNamNet thực hiện tuyến bài ghi nhận các ý kiến đóng góp từ phía chuyên gia, DN, nhà quản lý nhằm khắc phục những lỗ hổng trên thị trường xăng dầu, hướng tới một môi trường kinh doanh minh bạch, đảm bảo an ninh năng lượng bền vững.
Bộ Công Thương đang lấy ý kiến về dự thảo nghị định mới thay thế các nghị định về kinh doanh xăng dầu. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau liên quan đến các đề xuất chính sách tại dự thảo này.
Loạt "cải cách" để minh bạch thị trường
Trao đổi với VietNamNet về dự thảo nghị định về kinh doanh xăng dầu (dự thảo) lần này, lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, để đảm bảo công khai, minh bạch trong điều hành, tạo sự đồng thuận của xã hội, dự thảo nghị định xác định rõ mục tiêu điều hành là góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Nguyên tắc điều hành là theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, hài hòa lợi ích giữa người tiêu dùng, doanh nghiệp sử dụng xăng dầu và doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, giảm bớt khâu trung gian trong chuỗi cung ứng xăng dầu.
Theo đó, dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu 2025 đưa ra công thức giá bán xăng dầu để doanh nghiệp tự tính toán giá. Quy định Nhà nước công bố các yếu tố hình thành giá để doanh nghiệp tự quyết định giá, thực hiện kê khai giá và gửi văn bản kê khai giá, thông báo giá về cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để giám sát.
Việc bình ổn giá xăng dầu thực hiện theo quy định tại Luật Giá năm 2023 (có hiệu lực từ 7/2024), trong đó quy định rõ danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá, các trường hợp bình ổn và biện pháp thực hiện bình ổn giá.
Dự thảo nghị định mới về kinh doanh xăng dầu có nhiều "cải cách" nhằm công khai, minh bạch thị trường xăng dầu. Ảnh: Nam Khánh
Lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước cho biết, trong dự thảo cũng bổ sung điều kiện và trách nhiệm đối với thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.
Cụ thể, để được cấp giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu phải có ít nhất 36 tháng liên tục làm thương nhân phân phối tính đến thời điểm nộp hồ sơ.
Các doanh nghiệp đầu mối phải kết nối mạng với Bộ Công Thương về dữ liệu kho chứa, tình hình thực hiện tổng nguồn xăng dầu...
Ngoài ra, dự thảo còn bổ sung trách nhiệm thực hiện tổng nguồn xăng dầu tối thiểu 100.000m3 xăng dầu/năm (trừ nhiên liệu hàng không). Trường hợp 2 năm liên tục không đạt tổng nguồn tối thiểu, thương nhân sẽ bị thu hồi giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.
Ngoài ra, theo lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước, so với các nghị định trước, dự thảo lần này đã lược bỏ nhiều quy định và điều kiện về kinh doanh xăng dầu. Ví dụ, bỏ quy định thương nhân phân phối phải dự trữ lưu thông xăng dầu 5 ngày; bỏ điều kiện về kho chứa xăng dầu, phòng thử nghiệm chất lượng xăng dầu; quy định về kinh doanh dịch vụ xăng dầu.
Về cải cách hành chính, dự thảo đã bỏ điều kiện về chứng chỉ nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường. Thương nhân có trách nhiệm thực hiện quy định về những vấn đề này trong quá trình hoạt động kinh doanh.
Dự thảo cũng bỏ điều kiện về sở hữu hoặc thuê phương tiện vận tải xăng dầu.
Về yêu cầu doanh nghiệp cung cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận, giấy xác nhận đủ điều kiện đã được “tinh giản”. Doanh nghiệp chỉ cần kê khai thông tin mã số doanh nghiệp tại đơn đề nghị.
Lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước cũng nhấn mạnh nguyên tắc xây dựng nghị định là đảm bảo hài hòa lợi ích cho người tiêu dùng, doanh nghiệp sử dụng xăng dầu và doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Gắn trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh trong việc đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho nhu cầu tiêu thụ nội địa; giảm sự can thiệp của Nhà nước vào hoạt động kinh doanh xăng dầu của doanh nghiệp.
“Bộ Công Thương đang khẩn trương hoàn thiện dự thảo nghị định trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ để báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định”, lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước thông tin.
Xin ý kiến Chính phủ vấn đề còn quan điểm khác nhau
Vụ Thị trường trong nước cũng đề cập đến vấn đề đang còn những ý kiến khác nhau liên quan quy định cấm thương nhân phân phối mua bán xăng dầu lẫn nhau.
Theo cơ quan này, để tránh tình trạng mua bán lòng vòng, tạo nhiều tầng nấc trung gian, dự thảo quy định thương nhân phân phối xăng dầu không được mua bán xăng dầu của nhau, chỉ được mua hàng từ các thương nhân đầu mối (là doanh nghiệp có trách nhiệm đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường).
Tuy nhiên, đây là vấn đề lớn do quy định hiện hành cho phép các thương nhân phân phối xăng dầu mua bán với nhau.
Do vậy, tại tờ trình Chính phủ, Bộ Công Thương đã thận trọng báo cáo 2 phương án để xin ý kiến. Trong đó, phương án 1 là không cho phép thương nhân phân phối mua bán xăng dầu với nhau; phương án 2 là tiếp tục cho phép thương nhân phân phối mua bán xăng dầu với nhau như hiện tại.
Vụ Thị trường trong nước cho biết: Để kịp thời hướng dẫn Nghị định về kinh doanh xăng dầu khi được ban hành, Bộ Công Thương đã chủ động xây dựng dự thảo Thông tư quy định chi tiết một số điều của Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu và đã gửi lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức có liên quan, đồng thời đăng dự thảo lên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Cổng Thông tin điện tử Bộ Công Thương để lấy ý kiến rộng rãi của các tổ chức, cá nhân.
Liên quan đến nguồn cung xăng dầu sau khi các thương nhân đầu mối như Xuyên Việt Oil, Thiên Minh Đức, dính lao lý vì những lý do khác nhau, Vụ Thị trường trong nước thông tin, Bộ Công Thương đã chủ động sớm ban hành các văn bản gửi sở công thương tỉnh, thành phố (nơi các doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép có hệ thống cửa hàng bán lẻ xăng dầu, các đại lý, nhượng quyền bán lẻ xăng dầu) đề nghị theo dõi, giám sát, đảm bảo nguồn cung trên địa bàn để không bị đứt gãy.
Bộ cũng đề nghị các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu tăng cường cung cấp xăng dầu trên địa bàn các tỉnh, thành phố - nơi có hệ thống phân phối của các công ty bị thu hồi giấy phép.
Do đó, việc các doanh nghiệp như Xuyên Việt Oil, Thiên Minh Đức, Hải Hà... bị thu hồi giấy phép về cơ bản không ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu trong nước.
Lãnh đạo Petrolimex: Nhiều quy định 'siết' số liệu ảo, minh bạch thị trườngLãnh đạo Petrolimex khẳng định, việc bắt buộc đầu mối xăng dầu phải kết nối dữ liệu với cơ quan quản lý, cộng với quy định phát hành hoá đơn điện tử từng lần bán một cách thực chất, tự động sẽ làm cho thị trường xăng dầu càng ổn định, minh bạch.
Không loại bỏ được nạn 'mượn đầu heo nấu cháo', sẽ còn nhiều vi phạmHàng loạt 'đại gia' xăng dầu vướng lao lý đã làm bộc lộ những khiếm khuyết của thị trường xăng dầu. Việc bịt các lỗ hổng là cần thiết để thị trường vận hành lành mạnh hơn, loại bỏ tình trạng "mượn đầu heo nấu cháo".
Kinh doanh xăng dầu: Xưa quy định có 6 trang A4, giờ hàng chục trang ngặt nghèoNếu như trước đây, một quyết định về kinh doanh xăng dầu chỉ gói gọn trong 6 trang A4 thì nay đã kéo dài nhiều chục trang. Do đó, cần lược bỏ bớt các quy định rườm rà để tạo ra hành lang pháp lý cởi mở, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững.