Chênh lệch giá vàng SJC với giá thế giới đã giảm
Chiều 28/3, Chính phủ đã có cuộc họp Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia. Tại đây, các chuyên gia và thành viên hội đồng đã đề xuất bỏ độc quyền vàng miếng SJC.
Sau khi lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra những đánh giá tích cực về Nghị định 24 liên quan đến quản lý thị trường vàng, các chuyên gia cũng cho rằng, 12 năm thực hiện, Nghị định 24 đã đạt những thành công và hoàn thành sứ mệnh, mục tiêu "chống vàng hóa". Các ý kiến bày tỏ đồng tình với đề xuất bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng SJC, thực hiện cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện.
Từ các kiến nghị, Chính phủ sẽ rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý, các cơ chế, chính sách liên quan đến thị trường vàng để phát triển thị trường vàng minh bạch, lành mạnh, hiệu quả, bền vững.
Trước đó, rất nhiều chuyên gia và tổ chức cũng kiến nghị bỏ độc quyền vàng miếng.
Ngoài ra, nhiều ý kiến đề xuất các giải pháp khác, như hạn chế mua bán bằng tiền mặt; áp chênh lệch giá; lập sàn vàng, ban đầu là vàng vật chất, sau đó đến vàng tài khoản.
Như vậy, đúng như theo kế hoạch trước đó, NHNN đã đưa ra những đánh giá về Nghị định 24 và thị trường vàng cũng như giải pháp ổn định thị trường này. Dường như, bỏ độc quyền là giải pháp được nhắm tới đầu tiên.
Trên thực tế, bỏ độc quyền đã được nhiêu chuyên gia và tổ chức đề cập từ cuối năm 2023 và gần đây được nhắc tới dồn dập. Đề xuất này cũng là yếu tố khiến giá vàng miếng SJC hạ nhiệt.
Cùng với quyết tâm của Chính phủ về ổn định thị trường vàng, chênh lệch giá vàng miếng SJC với giá thế giới quy đổi đã giảm. Từ mức chênh đổi có thời điểm lên tới 18 triệu đồng/lượng (cuối năm 2023), tới trưa 29/3, mức chênh giá vàng miếng SJC với giá thế giới quy đổi chỉ còn 13,1 triệu đồng/lượng (tính theo tỷ giá ngân hàng).
Giá vàng miếng SJC sẽ xuống bao nhiêu?
Như vậy, cho tới thời điểm này dù chưa có quyết định chính thức xóa bỏ độc quyền vàng miếng, thương hiệu vàng quốc gia SJC nhưng chênh lệch giá vàng miếng SJC với giá vàng thế giới đã được thu hẹp. Chênh lệch đã được rút bớt đi 5-7 triệu đồng cho mỗi lượng.
Nhiều người kỳ vọng, chênh lệch giá vàng sẽ thấp hơn nữa, thay vì mức 13,1 triệu đồng/lượng như hiện tại.
Hôm 22/3, chia sẻ với báo VietNamNet, một lãnh đạo Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cho rằng, chỉ cần NHNN xóa bỏ độc quyền, chưa cần biết có cho nhập khẩu vàng hay không, giá vàng sẽ lập tức giảm đến 5 triệu đồng mỗi lượng.
Ở thời điểm đó, mức chênh giữa giá vàng thế giới - giá vàng trong nước đứng ở mức 14,6 triệu đồng (tính theo tỷ giá ngân hàng). Nếu theo tính toán của vị lãnh đạo Hiệp hội trên, giá vàng miếng có thể giảm thêm khoảng 3,5 triệu đồng/lượng, xuống 76,5 triệu đồng/lượng. Mức chênh khi đó chỉ vào khoảng 10-11 triệu đồng/lượng.
Ở chiều ngược lại, nhiều người cho rằng, khoảng cách giữa giá vàng miếng trong nước và giá thế giới quy đổi sẽ không được rút về mức thấp như kỳ vọng.
Ông Nguyễn Tuấn, người từng có nhiều hoạt động mua - bán vàng trong những đợt thị trường nóng cách đây hơn một thập kỷ, cho hay, mức chênh lệch phụ thuộc chủ yếu vào cán cân cung - cầu đối với mặt hàng này.
“Một khi nguồn cung không được cải thiện, hoặc cải thiện không nhiều thì chênh lệch còn lớn”, ông Nguyễn Tuấn lưu ý.
Trên thực tế, nhiều người mua - bán vàng chưa đánh cược vào khả năng giảm mạnh của giá vàng miếng SJC. Hoạt động mua vàng vẫn diễn ra sôi động trong bối cảnh chênh lệch với giá thế giới quy đổi ở mức lớn.
Sớm 29/3, giá vàng miếng SJC vẫn tăng khá mạnh theo giá thế giới, thêm 400.000 đồng/lượng vào đầu phiên trước khi trở lại 81 triệu đồng - mức giá kết phiên liền trước. Theo ghi nhận của Bảo Tín Minh Châu, lượng khách mua vào sáng 29/3 chiếm 55%, trong khi số người đến bán ra là 45%.
Ông Nguyễn Tuấn phân tích, giá vàng miếng khó giảm sâu khi sức cầu vẫn lớn hơn cung. Hơn nữa, thị trường tài chính thế giới vẫn khá bất ổn. Đồng USD trên thế giới treo cao, lãi suất qua đêm ở Mỹ trên 5%, trong khi lãi suất qua đêm ở Việt Nam ở mức thấp, chỉ 0,28%/năm hôm 27/3.
Có thể thấy, tỷ giá USD/VND vẫn khá nóng, tỷ giá trên hệ thống ngân hàng đạt mức kỷ lục mới: 24.980 đồng/USD vào sáng 29/3. Trên thị trường tự do, tỷ giá vẫn ở mức khoảng 25.500 đồng/USD.
Với tình hình hiện tại, theo ông Tuấn, NHNN có khá nhiều việc phải làm, không chỉ tín dụng tăng trưởng thấp, giá cả hàng hóa nhấp nhổm tăng mà còn là vấn đề tỷ giá leo thang và sự ổn định của hệ thống tài chính quốc gia.
Rõ ràng, như đại diện Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam nhận định, nếu không có giải pháp sửa đổi căn cơ, thị trường vàng trong nước sẽ không có thay đổi lớn, giá vàng có thể lại lên theo giá thế giới.
Nhà nước có thể tính đến giải pháp cho nhập vàng, tuy nhiên, cũng cần xem lại ưu tiên hiện nay là gì. Trong cuộc họp Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, các chuyên gia thừa nhận thách thức là giá hàng hóa thế giới tăng trở lại, rủi ro lạm phát tiềm ẩn, lãi suất USD và tỷ giá USD quốc tế ở mức cao.
Hiện vàng thế giới giao ngay ở đỉnh cao lịch sử 2.233 USD/ounce và nhìn chung được dự đoán trong xu hướng đi lên. Đồng USD được dự báo sẽ suy yếu do Mỹ cắt giảm lãi suất và các nước giảm phụ thuộc vào đồng tiền này. USD yếu sẽ đẩy giá vàng tăng. Các quốc gia cũng đẩy mạnh mua vàng do thế giới ngày càng bất định.
Dù vậy, vàng cũng có thể sẽ điều chỉnh trước khi bước vào một đợt tăng mới.
Còn nếu Nhà nước tăng cung vàng, giá vàng miếng có thể sẽ giảm sâu hơn. Trong quá khứ, khi Nghị định 24 được ban hành năm 2012, trong năm 2013, NHNN liên tục tổ chức 76 phiên đầu thầu vàng tổng cộng bán ra gần 70 tấn. Sau vài tháng đấu giá, giá vàng từ mức 43 triệu đồng/lượng có lúc về 36 triệu đồng/lượng.