Chung tay phối hợp chặt chẽ, toàn diện
Mua bán người được Liên Hợp quốc xác định là 1 trong 4 loại tội phạm nguy hiểm nhất, được đưa vào Chương trình phòng, chống tội phạm.
Đảng và Nhà nước ta đã xác định phòng, chống mua bán người là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đưa ra nhiều chính sách và giải pháp nhằm ngăn ngừa loạt tội phạm này, trong đó trực tiếp là Chương trình phòng chống mua bán người giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030.
Thực hiện chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ, các bộ, ngành liên quan đã ban hành nhiều quyết định, kế hoạch, công văn, nghị định hướng dẫn thực hiện chương trình phòng, chống mua bán người đạt được những hiệu quả tích cực.
Tháng12/2020, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) và Cục Phòng, chống ma tuý và tội phạm BĐBP đã kí kết thực hiện kế hoạch phối hợp số 1326 về phòng chống tội phạm mua bán người.
Qua hơn 2 năm thực hiện kế hoạch này, công tác phối hợp được triển khai toàn diện, ngày càng đi vào thực chất hơn. Công tác trao đổi thông tin tình hình về hoạt động của tội phạm mua bán người, nhất là các thủ đoạn mới của tội phạm mua bán người và tội phạm nguồn của mua bán người được các đơn vị công an, biên phòng tiến hành thường xuyên từ cấp cục đến cấp cơ sở theo hình thức định kì và đột xuất.
Đặc biệt, hình thức trao đổi thông tin qua điện thoại, zalo được vận dụng linh hoạt, bảo đảm nhanh chóng kịp thời. Chỉ tính từ tháng 6/2022 đến nay, các đơn vị đã trao đổi 496 thông tin liên quan đến tình hình điều tra, xử lý mua bán người liên quan đến địa bàn quản lí và chức năng nhiệm vụ của 2 lực lượng. Trong đó có 23 thông tin liên quan đến nạn nhân cư trú trong nội địa do BĐBP cung cấp đến các đơn vị công an và 55 thông tin liên quan đến nạn nhân ở khu vực biên giới do công an cung cấp cho biên phòng giúp cho các đơn vị triệt phá thành công 7 chuyên án và 15 vụ án.
Ngoài ra, các đơn vị công an, BĐBP các tỉnh biên giới cũng đã thường xuyên phối hợp trao đổi thông tin, tình hình với lực lượng chức năng của các nước láng giềng nhằm điều tra xác minh giải cứu các nạn nhân bị mua bán và bắt giữ các đối tượng phạm tội.
Các đơn vị công an, BĐBP đã phối hợp làm tốt công tác phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ, tham mưu và phối hợp với cấp uỷ, chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho nhân dân, nhất là các địa bàn vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới. Tập trung vào nhóm có nguy cơ cao bị mua bán, số phụ nữ trẻ em, các trường học nội trú.
Kết quả, đã phối hợp tuyên truyền phổ biến pháp luật được 510 buổi với gần 212.813 người; 70.320 phương tiện hoạt động trên biển/35.298 lượt thuyền viên tàu cá qua hệ thống loa truyền thanh địa phương và tiếng loa Biên phòng được 1439 lượt/5268 giờ; cấp phát 61.370 tờ rơi và khẩu hiện, 530 cuốn sách và đăng phát hơn 3.200 tin bài phóng sự trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Qua đó, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức của nhân dân trên các địa bàn, nhất là những địa bàn trọng điểm, nhân dân đã cung cấp nhiều thông tin có giá trị, giúp các đơn vị BĐBP, công an đấu tranh phá các chuyên án và bắt giữ đối tượng phạm tội đạt hiệu quả cao.
Các địa phương đã phối hợp điều tra cơ bản địa bàn, tuyến trọng điểm về mua bán người và tội phạm nguồn của mua bán người; rà soát, thống kê các đối tượng có tiền án tiền sự trên khu vực biên giới, vùng biển và duy trì các mô hình chống tội phạm mua bán người. Kết quả, đã phối hợp điều tra cơ bản 126 địa bàn trọng điểm; xác định 22 tuyến với hơn 600 đối tượng theo dõi và 1250 người có nguy cơ cao để tập trung tuyên truyền cá biệt.
Đồng thời, hai lực lượng thường xuyên phối hợp, chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị công an, BĐBP và trực tiếp triển khai các kế hoạch, nghiệp vụ, nắm tình hình địa bàn, điều tra khám phá các tội phạm mua bán người. Theo đó, từ tháng 6/2022 đến nay, các đơn vị phối hợp phát hiện điều tra xử lý gần 70 vụ với gần 90 đối tượng, xác định hơn 100 nạn nhân; đang phối hợp điều tra, xác minh 52 vụ/61 đối tượng nghi vấn mua bán 58 người.
Riêng lực lượng BĐBP các tỉnh trong cả nước, nhất là các tỉnh trọng điểm đã phối hợp với lực lượng công an các cấp tiếp nhận trên 9716 công dân được trao trả và 9389 công dân tự trở về. Qua rà soát, sàng lọc, phân loại công dân phát hiện 114 người nghi bị mua bán; 43 đối tượng phạm tội bị truy nã.
Nỗ lực kéo giảm tình trạng tội phạm mua bán người
Đặc biệt, phối hợp triển khai thực hiện đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm mua bán người năm 2022, các đơn vị công an, BĐBP đã phát hiện, điều tra 24 vụ/17 đối tượng, giải cứu tiếp nhận và hỗ trợ 52 nạn nhân, xác lập 10 chuyên án, đấu tranh thành công 7 chuyên án đường dây phạm tội mua bán người, bắt 7 đối tượng và làm rõ hành vi của 10 đối tượng có liên quan, bàn giao các cơ quan cảnh sát điều tra, áp dụng các biện pháp ngăn chặn, điều tra, xử lý theo thẩm quyền; giải cứu và phối hợp giải cứu 21 nạn nhân. Các đơn vị đã tiếp nhận, hỗ trợ 7 vụ/9 nạn nhân do lực lượng chức năng nước ngoài và tổ chức quốc tế hỗ trợ, giải cứu bàn giao; tiếp nhận 7 vụ qua sàng lọc công dân do nước ngoài trao trả; phát hiện, bảo vệ và hỗ trợ 22 nạn nhân bị mua bán.
Mới đây nhất, vào đầu tháng 6/2023, Cục Phòng, chống ma tuý và tội phạm đã tham mưu Tư lệnh BĐBP trao đổi công hàm với Tổng cục Trưởng Tổng cục Cảnh sát, Tổng Cục trưởng Tổng cục An ninh (Bộ An ninh Lào) và Cục trưởng Cục BĐBP - Bộ Tham mưu Quân đội nhân dân Lào để phối hợp giải cứu 5 công dân, trong đó 4 người trú tại Hà Tĩnh và 1 người ở Đắk Lắk trao trả cho BĐBP Việt Nam. Đồng thời, Cục Phòng chống ma tuý và tội phạm trao đổi, cung cấp thông tin cho Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) và cục C02 (Bộ Công an) để trao đổi với Cơ quan đại diện Việt Nam tại Lào. Kết quả, 5 nạn nhân nói trên đã được lực lượng chức năng nước bạn giải cứu và bàn giao cho BĐBP Hà Tĩnh vào ngày đầu tháng 6 tại Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo.
Từ đầu tháng 7 đến nay, các cấp, các ngành và các địa phương trong cả nước đã triển khai nhiều biện pháp hoạt động thiết thực hưởng ứng ngày Toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7.
Cục Phòng, chống ma tuý và tội phạm BĐBP đã chủ trì, phối hợp với BĐBP các tỉnh như Kon Tum, Sơn La… tổ chức toạ đàm nâng cao năng lực phòng chống mua bán người cho các lực lượng, các ngành có liên quan.
Lực lượng BĐBP và Công an đã quyết liệt điều tra, xử lí các đường dây, tội phạm, hỗ trợ giải cứu các nạn nhân. Điển hình là từ ngày 26/6 đến 10/7/2023, BĐBP tỉnh Long An đã xác lập chuyên án, phối hợp với Đoàn 3 của Cục Phòng, chống ma tuý và tội phạm BĐBP, Công an tỉnh Long An và công an các tỉnh, thành phố có liên quan tiến hành điều tra, truy xét, bắt giữ và khởi tố 9 đối tượng trong đường dây mua bán người có tổ chức và hoạt động tinh vi phức tạp trên nhiều địa bàn; giải cứu thành công 1 nạn nhân nữ 18 tuổi đã bị lừa bán đi bán lại nhiều lần.
Đại tá Phạm Long Biên, Trưởng phòng Phòng, chống Mua bán người (Cục Phòng, chống ma tuý và tội phạm BĐBP) cho biết: Nỗ lực của BĐBP, Công an nói riêng, các cấp, các ngành và toàn xã hội nói chung trong thời gian qua đã góp phần kéo giảm tình trạng tội phạm mua bán người. Tuy nhiên, từ những con số thống kê vẫn cho thấy, loại tội phạm nguy hiểm này vẫn đang có những diễn biến phức tạp gây tác động xấu đến đời sống xã hội. Chính vì vậy, trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người vẫn cần có sự vào cuộc, sự chung tay góp sức mạnh mẽ hơn nữa của tất cả chúng ta.
“Để phòng ngừa và đấu tranh hiệu quả với tội phạm mua bán người, đặt ra yêu cầu khách quan, cấp bách phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng trên tất cả các lĩnh vực, từ trao đổi thông tin, nhất là phương thức, thủ đôạn hoạt dộng mới của tội phạm mua bán người; đến điều tra, truy tố, xét xử; giải cứu, xác minh, xác định, tiếp nhận, hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân bị mua bán, hoàn thiện hệ thống pháp luật…
Trong thời gian tới sẽ tham mưu Cục Phòng, chống ma tuý và tội phạm báo cáo Bộ Tư lệnh BĐBP chỉ đạo các đơn vị triển khai thực hiện nghiêm túc, thực chất, hiệu quả các quy chế, nội dụng phối hợp với các lực lượng liên quan như: Bộ Công an; Bộ Quốc phòng; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ Ngoại giao; Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam... nhằm phối hợp, thực hiện tốt công tác phòng, chống mua bán người cũng như công tác tiếp nhận, bảo vệ, tư vấn và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán...", Đại tá Phạm Long Biên cho hay.