Thời gian qua, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng (BĐBP) nhiều địa phương tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 689-NQ/QUTW ngày 10/10/2014 của Quân ủy Trung ương về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, cứu hộ - cứu nạn đến năm 2020 và những năm tiếp theo.
Cà Mau: Đánh giá tình hình, dự báo chính xác từ sớm, từ xa
Theo báo cáo tại hội nghị ngày 2/7/2024, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã hướng dẫn triển khai đồng bộ các nội dung, giải pháp thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN). Đặc biệt, phối hợp với các lực lượng và cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân trên khu vực biên giới biển, nhất là ngư dân đánh bắt trên biển nâng cao ý thức về PCTT-TKCN; chấp hành tốt các quy định về PCTT được 172 đợt/ 20.914 lượt nhân dân tham gia; cấp phát 16.000 tờ rơi hướng dẫn về PCTT-TKCN; triển khai 1.279 lượt cán bộ, chiến sĩ/213 lượt tàu và huy động 145 lượt tàu cá/870 ngư dân cứu vớt được 169 thuyền viên…
Đại tá Phạm Minh Giang, Chính ủy BĐBP khẳng định, qua 10 năm, BĐBP tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng; xây dựng bản lĩnh chính trị, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy và cán bộ, chiến sĩ trong tham gia PCTT-TKCN trên khu vực biên giới biển, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của đơn vị.
Trong thời gian tới, Đại tá Phạm Minh Giang yêu cầu cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị cần tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, triển khai thực hiện Nghị quyết số 689; làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các địa phương trong ứng phó thiên tai và TKCN; phát huy tốt vai trò nòng cốt của BĐBP trong công tác TKCN trên biển; duy trì và triển khai có hiệu quả phương châm "4 tại chỗ" trong PCTT-TKCN; phối hợp với các cơ quan chức năng đánh giá tình hình, dự báo chính xác từ sớm, từ xa;…
Lai Châu: Phòng, chống thiên tai,… là nhiệm vụ chính trị quan trọng
Trong 10 năm qua, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Lai Châu và các đơn vị đã điều động gần 5.000 lượt cán bộ, chiến sĩ/1.840 lượt phương tiện phối hợp với chính quyền địa phương, Nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, TKCN, chữa cháy rừng; hỗ trợ di dời 533 hộ/2.563 khẩu đến nơi an toàn,…
Đại tá Nguyễn Văn Hưng, Chính ủy BĐBP tỉnh cũng yêu cầu, thời gian tới, các đơn vị tiếp tục quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện nghiêm Nghị quyết số 689; xác định rõ nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa và cứu hộ cứu nạn là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của đơn vị, gắn với xây dựng, rèn luyện bản lĩnh, ý chí quyết tâm, cùng tinh thần khắc phục khó khăn, gian khổ cho cán bộ, chiến sĩ.
Theo Đại tá Nguyễn Văn Hưng, các đơn vị cần chủ động nắm chắc diễn biến tình hình trên địa bàn biên giới được phân công quản lý; bảo đảm lực lượng, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ”, với tư tưởng chỉ đạo “Chủ động phòng, chống, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương, hiệu quả, trong đó lấy phòng là chính”.
Tăng cường trao đổi thông tin, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các lực lượng hiệp đồng thực hiện tốt các nhiệm vụ, xử trí linh hoạt, hiệu quả các tình huống xảy ra, góp phần quan trọng vào việc hỗ trợ, đồng hành cùng với Nhân dân để bà con yên tâm phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới của Tổ quốc.
Quảng Bình: BĐBP phải nâng cao năng lực chỉ huy, điều hành
Ngày 3/7, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Bình cho biết, 10 năm qua đã huy động hơn 8.300 lượt cán bộ, chiến sĩ với 450 lượt ô tô và 436 lượt tàu thuyền phòng chống bão lụt. Các đơn vị đã cứu hộ cứu nạn thành công 73 tàu hàng, tàu cá và 292 thuyền viên hoạt động trên biển gặp thiên tai, tai nạn; bắn hơn 2.300 quả đạn tín hiệu báo bão; kêu gọi, kiểm đếm, hướng dẫn, sắp xếp cho hơn 44.000 lượt tàu với hơn 300.000 lượt ngư dân vào bờ và di chuyển tránh trú bão an toàn.
Trong 10 năm, có 40 cán bộ, chiến sĩ tham gia các khóa đào tạo, huấn luyện chuyên môn, nghiệp vụ về cứu hộ cứu nạn. Bộ Chỉ huy BĐBP nhấn mạnh, cần phát huy sức mạnh “4 tại chỗ”, chủ động ngay từ khâu dự báo.
Đại tá Lê Văn Tiến, Chính ủy Bộ chỉ huy BĐBP đánh giá, bão, áp thấp nhiệt đới, giông lốc trên biển Đông có xu hướng tăng, xuất hiện không theo mùa, gây lũ lụt, sạt lở đất... Vì vậy, yêu cầu nhiệm vụ của công tác PCTT-TKCN ngày càng cao, BĐBP phải nâng cao năng lực chỉ huy, điều hành; cấp ủy chỉ huy các đơn vị chuẩn bị tốt về kế hoạch, phương án, lực lượng, phương tiện, trang bị, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra nhằm giảm thiểu ít nhất thiệt hại.
Hà Tĩnh: Vận dụng cụ thể hóa từng nhiệm vụ
Cũng 10 năm qua, Đảng ủy BĐBP Hà Tĩnh và cấp ủy, chỉ huy các đơn vị đã đề cao ý thức, trách nhiệm, coi trọng công tác quán triệt, triển khai Nghị quyết đến mọi đối tượng thuộc quyền. Công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai và cứu hộ, cứu nạn đã đi vào nền nếp, tạo được sự đồng thuận cao trong cấp ủy, chỉ huy, cán bộ, chiến sĩ các cơ quan, đơn vị.
Đã chỉ đạo các đơn vị hiệp đồng chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương đóng quân trên địa bàn; vận dụng cụ thể hóa từng nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết vào triển khai nhiệm vụ sát với đặc điểm tình hình của cơ quan, đơn vị trên 2 tuyến biên phòng.
Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Hà Tĩnh đã điều động 195 lượt tàu, xuồng, 171 ô tô, 7.609 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia PCTT-TKCN, giúp nhân dân khắc phục hậu quả, tổ chức cứu hộ, cứu nạn 135 vụ/129 phương tiện và 629 thuyền viên vào bờ an toàn; kêu gọi 138.313 phương tiện/496.909 lao động;… Ngoài ra, bố trí 5 điểm bắn pháo hiệu ở các trạm kiểm soát biên phòng.
Thời gian tới, Đại tá Nguyễn Thái Bình, Chính ủy BĐBP tỉnh nhấn mạnh việc tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm Nghị quyết số 689. Đồng thời, tổ chức tập huấn, huấn luyện, diễn tập thuần thục các phương án ứng phó thiên tai; nâng cao năng lực tổ chức chỉ huy, hiệp đồng xử trí các tình huống, kỹ năng sử dụng trang thiết bị và phương tiện kỹ thuật cho cán bộ, chiến sĩ.