Tham dự tập huấn lần này có hơn 21.000 cán bộ, giáo viên trên cả nước, với cả hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Ông Trần Văn Đạt - Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD-ĐT) cho hay thời gian qua, cùng với những áp lực kinh tế xã hội, sự ảnh hưởng tiêu cực từ không gian mạng, một bộ phận học sinh bắt chước và thực hiện một số hành vi tự gây tổn thương cho bản thân theo nhiều cách khác nhau.
Hành vi tự gây tổn thương cho bản thân cũng thường đi liền với nhiều vấn đề khác về sức khỏe tâm thần như trầm cảm.
Chính vì vậy, ông Đạt cho rằng, công tác tư vấn tâm lý học đường có vai trò quan trọng.
“Tư vấn tâm lý tập trung giải quyết vấn đề cụ thể liên quan đến tâm lý của một cá nhân trong khi đó công tác xã hội hướng tới giúp đỡ cá nhân, nhóm và cộng đồng giải quyết các vấn đề xã hội, bao gồm các vấn đề vi mô như các mối quan hệ xã hội của cá nhân hay vấn đề vĩ mô như quyền con người, công bằng xã hội...”, ông Đạt nói.
Theo ông Đạt, ngoài việc ban hành các văn bản liên quan đến công tác tư vấn tâm lý trong trường học, hằng năm, Bộ GD-ĐT chỉ đạo, hướng dẫn các Sở thực hiện các nhiệm vụ về tư vấn tâm lý học đường; phối hợp tích cực với các bộ, ngành... để triển khai thực hiện các hội thảo, tập huấn, khảo sát, thí điểm mô hình tư vấn học đường, biên soạn tài liệu hướng dẫn, xây dựng các ấn phẩm truyền thông...
Bộ GD-ĐT cũng đã phối hợp với Tổ chức UNICEF biên soạn Tài liệu hướng dẫn thí điểm mô hình công tác xã hội và tư vấn tâm lý tại các cơ sở giáo dục phổ thông.
Tuy nhiên, ông Đạt cũng nhìn nhận, theo quy định hiện nay, trong các trường học không có vị trí việc làm dành cho công tác xã hội và tư vấn tâm lý học đường, hoạt động tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức nghiệp vụ chuyên môn còn nhiều hạn chế, chưa thường xuyên được tổ chức; quy trình triển khai thực hiện công tác xã hội và tư vấn tâm lý trong trường học nhiều nơi chưa được thực hiện đúng,...
Trong khi, việc tập huấn nội dung hỗ trợ, can thiệp với học sinh có suy nghĩ, hành vi tự gây tổn thương cho bản thân hiện nay đang là vấn đề cấp thiết.
Vì vậy, việc tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên làm công tác xã hội và tư vấn tâm lý trong trường học trong các cơ sở giáo dục được Bộ GD-ĐT đánh giá là hết sức quan trọng.
Qua tập huấn, Bộ GD-ĐT mong muốn hướng dẫn nâng cao năng lực cho cán bộ, giáo viên, nhân viên triển khai tư vấn tâm lý trong các cơ sở giáo dục trong phòng chống hành vi tự hại và tự tử, tập trung vào các nội dung: Kiến thức chung về thực trạng, nguyên nhân, động cơ tâm lý của học sinh có nguy cơ, suy nghĩ, hành vi tự gây tổn thương và tự tử.
Từ đó, cán bộ, giáo viên hiểu và có khả năng triển khai các quy trình, nhận diện, đánh giá học sinh có nguy cơ, suy nghĩ, hành vi tự gây tổn thương và tự tử; thực hành sơ cứu tâm lý và các hoạt động phòng ngừa hành vi tự gây tổn thương, tự tử.
Qua đó, tạo điều kiện để cán bộ, giáo viên tham gia tập huấn được trao đổi, tương tác, chia sẻ và giải đáp các thắc mắc, hướng dẫn xử lý các tình huống trên thực tiễn về công tác xã hội tại trường học.
Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu cán bộ, giáo viên tham gia tập huấn tích cực tham gia trao đổi, thảo luận, tương tác thực hành trong các chuyên đề,... tiếp thu và nắm bắt những kiến thức, kỹ năng cần thiết để áp dụng thực hiện tại cơ sở của mình.