Bộ GD-ĐT vừa giới thiệu dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non. 

Theo đó, dự thảo đưa ra nhiều điểm mới về xét tuyển sớm (trước đợt xét tuyển chung của Bộ GD-ĐT) như chỉ tiêu xét tuyển sớm do cơ sở đào tạo quy định nhưng không vượt quá 20% chỉ tiêu của từng ngành đào tạo; điểm xét, điểm trúng tuyển của các phương thức, tổ hợp môn sử dụng để xét tuyển phải được quy đổi tương đương về một thang điểm chung, thống nhất đối với từng chương trình, ngành, nhóm ngành; xét tuyển bằng học bạ phải dùng kết quả học tập cả năm lớp 12 của thí sinh...

Trao đổi với VietNamNet, đại diện Trường ĐH Thương mại ủng hộ việc xét tuyển bằng học bạ phải dùng kết quả học tập cả năm lớp 12 của thí sinh. 

“Đó là điều tốt để thí sinh tập trung học tập các môn. Như các năm trước đây, khi thí sinh biết mình đủ điều kiện trúng tuyển vào đại học quá sớm, các em sẽ có suy nghĩ chỉ cần học làm sao thi đủ ngưỡng vượt qua tốt nghiệp là được. Như vậy, việc học của các em sẽ bị chểnh mảng và thậm chí còn gây ảnh hưởng đến kết quả học tập của các bạn khác (nhóm đang muốn nỗ lực cao hơn). Chưa kể, một số thí sinh sẽ đỗ vào các ngành/trường thực tế chưa tương xứng với năng lực của các em, có thể dẫn đến tâm lý tự mãn”.

Vị này cũng ủng hộ hướng quy định điểm chuẩn trúng tuyển xét tuyển sớm (sau khi quy đổi tương đương) không thấp hơn điểm chuẩn trúng tuyển của đợt xét tuyển chung của Bộ GD-ĐT. “Điều này sẽ thúc đẩy việc khi xét tuyển sớm, các trường sẽ phải lựa chọn thí sinh ưu việt, nổi trội hơn so với đợt xét chung sau”, vị này nói.  

z5429694296100_ecafaeadd652171c6e1927811459df1a.jpg
Ảnh minh họa: Thanh Tùng.

Tuy nhiên đại diện Trường ĐH Thương mại cho rằng dự kiến điểm xét, điểm trúng tuyển của các phương thức, tổ hợp môn sử dụng để xét tuyển được quy đổi tương đương về một thang điểm chung, thống nhất đối với từng chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo có thể gây khó khăn cho các trường. Bởi mỗi trường có một cách tính cho những mục tiêu khác nhau.

Vị này cũng băn khoăn với dự định "một chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo có thể sử dụng đồng thời một số tổ hợp môn để xét tuyển, khi đó số môn chung của các tổ hợp phải có trọng số đánh giá chiếm ít nhất 50% tổng điểm". 

“Theo thống kê của chúng tôi, các học sinh ở nông thôn, tỷ lệ học theo đuổi và xét tuyển đại học bằng tổ hợp khối A (Toán, Lý, Hóa) vẫn rất lớn.

Trong khi đó, số trường xét tuyển bằng tổ hợp có môn Toán và tiếng Anh hiện nay tương đối lớn. Vô hình trung quy định này nếu trở thành hiện thực sẽ dẫn tới việc đại đa số các ngành của trường tôi và các trường khối kinh tế nói chung (chủ yếu sử dụng môn Toán và tiếng Anh để xét tuyển) sẽ không thể xét tuyển bằng khối A. Bởi số môn chung của 2 nhóm tổ hợp này chỉ là môn Toán, không đạt 50% theo quy định”, vị này phân tích. 

Với hướng tỷ lệ xét tuyển sớm còn không quá 20% chỉ tiêu, theo vị này, có thể hạn chế việc các trường xét tuyển và học sinh trúng tuyển sớm bằng học bạ quá nhiều. “Trước nay, mọi phương thức xét tuyển phức tạp đã được các trường đẩy lên xét tuyển sớm, giảm tải cho đợt xét tuyển chung. Nếu tỷ lệ xét tuyển sớm bị siết ít đi, các trường phải chấp nhận xét tuyển các phương thức cùng đợt với kết quả thi tốt nghiệp THPT; do đó làm cho hệ thống xét trở nên phức tạp, nhiều rủi ro hơn và nếu Bộ không tính kỹ về mặt kỹ thuật, rất có thể đợt xét tuyển sẽ phải kéo dài chứ không chỉ trong vài ngày như những năm gần đây”.

Đại diện một trường đại học khác cũng cho rằng nếu giảm tỷ lệ xét tuyển sớm còn không quá 20%, các trường sẽ phải chật vật hơn trong việc lọc ảo với 80% chỉ tiêu còn lại trong đợt xét tuyển chung. Việc này dễ dẫn đến trường tuyển thừa quá nhiều và bị phạt, hoặc tuyển thiếu chỉ tiêu.

GS Nguyễn Đình Đức (Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Công nghệ - ĐHQGHN) cho rằng, khái niệm “xét tuyển sớm” cần phải định nghĩa tường minh trong quy chế để phân biệt giữa kết quả xét tuyển bằng học bạ và kết quả thi tuyển bằng các kỳ thi độc lập vì tỷ lệ trúng tuyển, chỉ tiêu và cách thức là khác nhau. 

“Thực tế các phương thức xét tuyển sớm để tuyển chọn các sinh viên giỏi từ các thành tích thi học sinh giỏi, từ các trường chuyên, các chứng chỉ quốc tế như SAT, ACT… cho thấy với đối tượng như vậy có chất lượng đầu vào rất tốt và tin cậy. Việc các trường ra phương thức riêng để tuyển sinh là phù hợp với Luật Giáo dục đại học; phương thức đó lại tuyển được các em giỏi và tha thiết với trường, do đó tôi nghĩ Bộ GD-ĐT nên ủng hộ và cũng phù hợp với thông lệ xét tuyển sớm của quốc tế”.

GS Đức ủng hộ việc hạn chế chỉ tiêu theo phương thức xét tuyển sớm bằng học bạ. “Bởi nhiều năm nay, kết quả đánh giá theo học bạ luôn cao hơn kết quả THPT. Tình trạng cả nể, dễ dại trong đánh giá theo học bạ là còn trên thực tế. Vì vậy việc kiểm soát để nâng cao chất lượng đầu vào, thể hiện vai trò quản lý nhà nước của Bộ là cần thiết”. 

GS Đức cho rằng hướng quy định điểm chuẩn trúng tuyển xét tuyển sớm (sau khi quy đổi tương đương) không thấp hơn điểm chuẩn trúng tuyển của đợt xét tuyển theo kế hoạch chung, chỉ phù hợp với phương thức xét tuyển theo học bạ, còn đánh đồng với các phương thức khác theo là không có cơ sở khoa học và không phù hợp với thực tế.

“Việc chuyển đổi này chỉ được thực hiện một cách công bằng khi có sự tương đồng, hoặc tương đương của ma trận đề thi.  Ví dụ bài thi đánh giá năng lực của ĐHQGHN là một bài thi khó. Từ trước đến nay, chưa có em nào đạt điểm tuyệt đối và số đạt trên 130/150 điểm chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong khi những năm qua bài thi THPT chỉ phục vụ mục tiêu cao nhất là tốt nghiệp THPT. Độ phân hóa ở mức khác hẳn và không thể quy đổi một cách máy móc". 

GS Đức cho rằng, chỉ nên quy định điểm sàn giữa các phương thức; có thể tương đương hoặc tỷ lệ với nhau bằng một hệ số nhất định (theo độ khó, độ phân hóa trình độ thí sinh). 

GS Đức cũng cho rằng Bộ GD-ĐT nên xem xét lại cơ sở khoa học đề xuất tỷ lệ 20%. “Tuyển sinh là việc của các trường đại học được quy định theo Luật, do đó Bộ không nên can thiệp quá sâu và đưa ra tỷ lệ khống chế nếu các phương thức khác của các trường trên thực tế tuyển được các sinh viên giỏi, có chất lượng đầu vào tốt. Bộ chỉ nên hạn chế với các phương thức tuyển sinh dễ dãi, không đánh giá đúng thực chất chất lượng đầu vào, bằng mọi giá để ‘vơ vét’ người học, ông Đức nói.

tuyensinh.jpg
Bộ GD-ĐT dự kiến 'siết' tuyển sinh đại học bằng học bạ

Bộ GD-ĐT dự kiến 'siết' tuyển sinh đại học bằng học bạ

Bộ GD-ĐT vừa giới thiệu dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non. Theo đó, Bộ có thêm những điều kiện đối với việc xét tuyển đại học bằng học bạ.