Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho hay một trong những kết quả thực hiện nhiệm vụ năm học 2022-2023 là triển khai hiệu quả công tác y tế trường học, giáo dục thể chất, tăng cường bảo đảm an toàn trường học, phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước đối với trẻ em, học sinh.
Bộ GD-ĐT tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình “Sức khỏe học đường giai đoạn 2021 - 2025”, Chương trình “Y tế trường học trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông gắn với y tế cơ sở giai đoạn 2021 - 2025”, Đề án tổng thể phát triển giáo dục thể chất, thể thao trường học giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025.
Bộ cũng chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường công tác y tế trường học; tăng cường phòng chống dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, chăm sóc sức khỏe tâm thần học sinh và triển khai mô hình đảm bảo dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường hoạt động vận động thể lực; phối hợp với UNICEF và Bệnh viện Nhi Trung ương tổ chức khảo sát về sự suy giảm sức khỏe, thiếu hụt kỹ năng của trẻ em sau đại dịch Covid-19.
Trong năm học 2022 - 2023, Bộ GD-ĐT cũng đã có công văn đề nghị các Sở GD-ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm các quy định của Luật An toàn thực phẩm và sử dụng hiệu quả Hướng dẫn công tác tổ chức bữa ăn học đường kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh trong các cơ sở giáo dục, Công điện về việc đảm bảo an toàn cho cán bộ, giáo viên, học sinh và ứng phó với nắng nóng tại các cơ sở giáo dục.
Ngoài ra Bộ GD-ĐT cũng có Công văn yêu cầu các Sở GD-ĐT, các đại học, học viện, trường đại học và cao đẳng sư phạm tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống và kiểm soát tình hình dịch Covid-19, không để dịch bùng phát và lây lan trong trường học, tăng cường chỉ đạo công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục.
Bên cạnh đó, xây dựng các chương trình, tài liệu hướng dẫn chuyên môn và tổ chức các hoạt động nâng cao năng lực đội ngũ, như: ban hành Chương trình bồi dưỡng nâng cao năng lực cho nhân viên y tế trường học và xây dựng các tài liệu thuộc Chương trình bồi dưỡng; ban hành tài liệu phòng, chống các dịch bệnh truyền nhiễm thường gặp ở học sinh; ban hành và hướng dẫn sử dụng Bộ tài liệu truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá mới và tài liệu Hướng dẫn giáo dục lồng ghép phòng, chống tác hại của thuốc lá trong bài giảng môn học, hoạt động giáo dục cấp THCS.
Tài liệu hướng dẫn sơ cấp cứu ban đầu tai nạn thương tích thường gặp ở trẻ em, học sinh; các tài liệu truyền thông về phòng, chống đuối nước cho trẻ em, học sinh trong trường học… đều được ban hành.
Đồng thời, các cơ sở giáo dục tổ chức tập huấn phòng chống đuối nước, bơi, cứu đuối an toàn và sơ cấp cứu ban đầu tai nạn thương tích thường gặp ở trẻ em, học sinh năm 2023; tập huấn về truyền thông, giáo dục phòng chống tác hại của thuốc lá mới trong học sinh; Tổ chức phát động hưởng ứng và Giải Chạy dành cho học sinh, sinh viên “S-Race 2022” với sự tham gia trực tiếp và trực tuyến của hơn 30.000 học sinh, sinh viên, thầy cô giáo. Đây cũng là giải chạy được tổ chức Kỷ lục Châu Á công nhận là giải chạy học đường có số lượng học sinh, sinh viên tham gia nhiều nhất.
Ngoài ra, Giải Thể thao học sinh phổ thông toàn quốc năm 2023 nhằm nâng cao sức khỏe, góp phần giáo dục toàn diện cho học sinh cũng được tổ chức.
Các Sở GD-ĐT cũng đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng môn giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong các cơ sở giáo dục; chú trọng bảo đảm an toàn trường học, phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước đối với trẻ em, học sinh; tăng cường công tác y tế, giáo dục thể chất trong nhà trường
Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần khắc phục.
Cơ cấu tổ chức về y tế trường học tại một số địa phương chưa đồng bộ, chưa cụ thể đầu mối dẫn đến nhiều khó khăn trong triển khai. Mạng lưới nhân viên y tế trong các trường học thiếu về số lượng, chưa bảo đảm chất lượng, chuyên môn nghiệp vụ; chế độ chính sách cho nhân viên y tế trong trường học chưa đảm bảo.
Công tác truyền thông các vấn đề liên quan đến phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước đôi khi còn bị động, chưa kịp thời, đầy đủ; chưa bao phủ hết đến những vùng sâu, xa, vùng khó khăn nên việc hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước ở một số nơi còn hạn chế.
Công tác bảo đảm an toàn cho trẻ em mầm non ở các cơ sở giáo dục mầm non độc lập, tư thục, nhất là tại các vùng đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất còn hạn chế. Công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho trẻ em, học sinh; công tác hỗ trợ, tư vấn tâm lý, kỹ năng phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, học sinh còn chưa thực sự hiệu quả. Tình trạng bạo lực học đường, mất an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học vẫn còn xảy ra ở một số cơ sở giáo dục, gây bức xúc trong dư luận.
Để triển khai thực hiện hiệu quả các mục tiêu năm học 2023 - 2024, Bộ GD-ĐT cũng xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành cần tập trung triển khai thực hiện là tăng cường công tác giáo dục thể chất, hoạt động thể thao, y tế trường học; bảo đảm an toàn trường học, chủ động phòng, chống và ứng phó hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh.
Cụ thể, triển khai hiệu quả công tác giáo dục thể chất và y tế trường học, bảo đảm an toàn trường học, phòng chống dịch bệnh và tai nạn thương tích. Tăng cường tổ chức bữa ăn bảo đảm dinh dưỡng hợp lý và an toàn thực phẩm, kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho học sinh; kiện toàn và nâng cao năng lực hệ thống y tế trường học. Hoàn thiện cơ sở dữ liệu về sức khỏe học đường.
Cùng đó tổ chức, triển khai hiệu quả Chương trình “Sức khỏe học đường giai đoạn 2021 - 2025”, Chương trình “Y tế trường học trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông gắn với y tế cơ sở giai đoạn 2021-2025”; Đề án tổng thể phát triển giáo dục thể chất, thể thao trường học giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025.
Bộ GD- ĐT yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động thể thao học sinh, sinh viên gắn kết với nội dung môn học giáo dục thể chất thuộc Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 và tổ chức tốt Hội khỏe phù đổng các cấp năm 2024.