Bộ GD-ĐT vừa có thông tin làm rõ một số số liệu từ Hội thảo "Hướng nghiệp suốt đời".
Theo Bộ GD-ĐT, ngày 8/10 Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nhân lực trực thuộc Bộ GD-ĐT phối hợp cùng một số đơn vị tổ chức Hội thảo “Hướng nghiệp suốt đời - Gắn kết gia đình, nhà trường, người học, người lao động và doanh nghiệp trong kỷ nguyên 4.0”.
Thông tin về hội thảo được đăng tải trên một số báo, trong đó có một số số liệu không được diễn giải đầy đủ, chính xác, gây hiểu lầm cho xã hội, ảnh hưởng tới giáo dục đại học và cao đẳng.
Theo đó, trong phần trình bày và diễn giải của PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa các Khoa học Giáo dục, Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) có nêu “Lao động có trình độ cao đẳng, đại học trở lên thất nghiệp chiếm tỉ lệ 30,8%”. Theo Bộ GD-ĐT đây là thông tin không cập nhật (năm 2020) và không chính xác. Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Thống kê tại Báo cáo điều tra lao động việc làm năm 2020, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn ra phức tạp, lực lượng lao động cả nước có khoảng 54,84 triệu người, trong đó có hơn 1,2 triệu người thất nghiệp (tương ứng 2,18%). Trong số 1,2 triệu người thất nghiệp, số người có trình độ cao đẳng, đại học trở lên chiếm 30,8%, tức là khoảng 369.600 người.
Trong tổng số lao động của Việt Nam năm 2020, số người có trình độ đại học trở lên chiếm 11,1% và số người có trình độ cao đẳng chiếm 3,8%, tổng cộng tương đương 8,17 triệu người. Như vậy, nếu theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2020, thì tỉ lệ người lao động có trình độ cao đẳng, đại học trở lên thất nghiệp là 4,85%, chứ không phải là 30,8% như phần trình bày và diễn giải trong Hội thảo.
Theo Bộ GD-ĐT, Trung tâm Hỗ trợ Đào tạo và Cung ứng nhân lực đã cung cấp thông tin báo chí và báo cáo tại Hội thảo một số thông tin, số liệu không phản ánh đúng bản chất, không đảm bảo độ tin cậy và không có tính đại diện cho hệ thống giáo dục đại học, cao đẳng về tình hình sinh viên làm việc đúng ngành nghề đào tạo (nguồn thông tin khảo sát, phương pháp xử lý dữ liệu, mẫu nghiên cứu khảo sát từ một khảo sát trên diện hẹp của một nhóm khảo sát độc lập).
Bên cạnh đó, khi khảo sát tình trạng việc làm của sinh viên tốt nghiệp cần làm rõ các ngành đào tạo của giáo dục đại học khác với ngành nghề kinh tế - xã hội. Ví dụ, sinh viên tốt nghiệp ngành Toán hay Khoa học máy tính có thể làm ở bất cứ ngành nghề nào trong xã hội có ứng dụng toán hay khoa học máy tính.
Vì vậy, việc đặt câu hỏi khảo sát sinh viên tốt nghiệp về việc làm đúng ngành nghề hay không rất dễ gây ra nhiều cách hiểu khác nhau và không cho kết quả tin cậy. Cách tiếp cận thông dụng trên thế giới là khảo sát sự phù hợp về trình độ chuyên môn của người tốt nghiệp với vị trí việc làm.
Hiện Bộ GD-ĐT đang triển khai hợp tác với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam để kết nối cơ sở dữ liệu giáo dục đại học với thông tin vị trí việc làm, khi hoàn thành sẽ cung cấp cho xã hội các thông tin tin cậy về tình trạng việc làm của sinh viên tốt nghiệp các trường đại học.
Bộ GD-ĐT cũng nêu rõ đã có văn bản đề nghị PGS. TS. Trần Thành Nam đính chính thông tin, đồng thời, chấn chỉnh, nhắc nhở Trung tâm Hỗ trợ Đào tạo và Cung ứng nhân lực nghiêm túc rút kinh nghiệm đối với những vấn đề nêu trên.
Trên trang cá nhân, PGS.TS Trần Thành Nam đã gửi lời xin lỗi đến Bộ GD-ĐT vì những tổn thương tinh thần không nên có. Ông cũng xin lỗi đến phóng viên báo chí và quý độc giả. Theo ông Nam đây là sơ suất nghề nghiệp và là một bài học kinh nghiệm sâu sắc của ông, cũng là một trường hợp điển hình từ câu chuyện cá nhân mà ông có thể chia sẻ với các thế hệ sinh viên về sự cẩn trọng trong mỗi phát ngôn, và "tinh thần tự nhiệm" khi tham gia phục vụ cộng đồng.
Chú ý tính liêm chính khoa học trong xét giáo sư, phó giáo sư năm 2022
Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Kinh tế nói gì về các ứng viên bị tố cáo?
GS Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Kinh tế cho hay, về cơ bản việc xác định các bài báo uy tín quốc tế là những bài báo nằm trong danh mục ISI và Scopus, kết quả dựa trên nguyên tắc này.