Ngày 24/10, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh ký Nghị định số 86 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo có 20 tổ chức thuộc Bộ, giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước.
Trong đó gồm 14 vụ: Giáo dục Mầm non; Giáo dục Tiểu học; Giáo dục Trung học; Giáo dục Đại học; Giáo dục thể chất; Giáo dục dân tộc; Giáo dục thường xuyên; Giáo dục Quốc phòng và An ninh; Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên; Tổ chức cán bộ; Kế hoạch - Tài chính; Cơ sở vật chất; Khoa học, Công nghệ và Môi trường; Pháp chế.
Cùng với Văn phòng, Thanh tra bộ còn có 4 Cục: Quản lý chất lượng; Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục; Công nghệ thông tin; Hợp tác quốc tế.
Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo còn có 3 đơn vị sự nghiệp công lập, phục vụ chức năng quản lý nhà nước của Bộ gồm: Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam; Báo Giáo dục và Thời đại; Tạp chí Giáo dục.
So với cơ cấu tổ chức theo Nghị định 69/2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo giảm 3 cơ quan là: Vụ Thi đua - Khen thưởng, Học viện Quản lý giáo dục và Trường Cán bộ quản lý giáo dục thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài ra, Cục Cơ sở vật chất được thay đổi thành Vụ cơ sở vật chất.
Cục Cơ sở vật chất tiếp tục thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức theo quy định hiện hành cho đến khi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Vụ cơ sở vật chất.
Bộ xây dựng chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp
Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với giáo dục từ mầm non đến giáo dục đại học, giáo dục thường xuyên.
Nội dung quản lý là về mục tiêu, chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục; quy chế thi, tuyển sinh, đào tạo và văn bằng, chứng chỉ; phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; sách giáo khoa, giáo trình, tài liệu.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng thực hiện chức năng quản lý về cơ sở vật chất và thiết bị trường học; bảo đảm chất lượng, kiểm định chất lượng giáo dục; quản lý nhà nước về tiếng Việt và tiếng các dân tộc; quản lý nhà nước các dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ.
Về sách giáo khoa, giáo trình, tài liệu, Bộ có nhiệm vụ quy định tiêu chuẩn và việc lựa chọn đồ chơi, học liệu được sử dụng trong các cơ sở giáo dục mầm non; quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa giáo dục phổ thông; quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông.
Bộ cũng quy định về sách giáo khoa, giáo trình, tài liệu giáo dục thường xuyên; quy định việc biên soạn, lựa chọn, thẩm định, duyệt và sử dụng tài liệu giảng dạy, giáo trình giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm.
Đối với thi, kiểm tra, tuyển sinh, đào tạo và văn bằng, chứng chỉ, Bộ Giáo dục và Đào tạo có nhiệm vụ trình Chính phủ ban hành hệ thống văn bằng giáo dục đại học và quy định văn bằng trình độ tương đương của một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù trong phạm vi quản lý nhà nước của bộ.
Bộ quy định việc thi, kiểm tra, tuyển sinh, đào tạo, liên kết đào tạo và quản lý văn bằng, chứng chỉ trong hệ thống giáo dục quốc dân thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ; quy định việc công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp được sử dụng tại Việt Nam.
Về nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, Bộ quy định tiêu chuẩn chức danh, chế độ làm việc của nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục; quy định tiêu chuẩn người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, cao đẳng sư phạm;
Bộ ban hành chuẩn nghề nghiệp nhà giáo; xây dựng chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của giảng viên, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục; ban hành quy tắc ứng xử của nhà giáo, của cơ sở giáo dục…
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 1/11/2022, thay thế Nghị định 69/2017.