Chiều 3/8, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8, phóng viên nêu thực trạng sau các đợt điều chỉnh, giá xăng dầu giảm khá sâu, tuy nhiên giá các mặt hàng dịch vụ thiết yếu, đặc biệt là giá cước vận tải, vẫn ở mức cao.
“Vậy có biện pháp gì để kéo giảm giá các mặt hàng theo giá xăng dầu không? Chính phủ có chuẩn bị những công cụ, những biện pháp gì để bình ổn giá các dịch vụ hàng hóa thiết yếu này tới đây?”, phóng viên đề nghị bộ ngành liên quan trả lời.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang, một trong những yếu tố cấu thành giá cước vận tải là giá nhiên liệu. “Giá nhiên liệu tăng làm cho giá cước vận tải tăng để bù đắp chi phí là điều dễ hiểu”, ông Sang nói.
Theo ông Nguyễn Xuân Sang, vừa qua, khi giá nhiên liệu tăng thì giá cước vận tải ở một số lĩnh vực của ngành giao thông tăng. Theo thống kê, có đến 80-90% số doanh nghiệp vận tải hành khách theo tuyến cố định đã kê khai điều chỉnh tăng từ 10-15%, vận tải hàng hóa tăng từ 7-10% nhằm bù đắp chi phí xăng dầu.
Về đường sắt, dù tỷ lệ chi phí nhiên liệu trong cơ cấu giá thành vận tải chiếm đến 21-29% nhưng do vận tải hành khách bằng đường sắt đang trong chương trình cạnh tranh nên giá không tăng. Chỉ có giá vận tải hàng hóa bằng đường sắt tăng từ 3-5%.
Riêng về hàng hải do trước đây giá tăng cao, hiện nay giá giảm 20-25% so với thời điểm cao nhất. Dù hàng hải là ngành có tỷ lệ cấu thành giá từ xăng dầu lớn, nhưng các hãng tàu cũng không có thông báo tăng giá. “Như vậy chỉ có một số loại cước vận tải, trong đó có đường bộ, đường thủy tăng”, ông Sang thông tin.
Thứ trưởng Bộ GTVT cũng nhấn mạnh, khi giá xăng dầu tăng thì giá vận tải tăng nhưng thường khi giá xăng dầu giảm sẽ có độ trễ nhất định để giá cước vận tải giảm.
Theo ông Sang, hiện giá xăng dầu giảm nhưng giảm không nhiều nên các hãng vận tải chưa kê khai điều chỉnh giảm. Trước tình hình như vậy, Bộ GTVT đã có một loạt chỉ đạo các đơn vị khẩn trương triển khai các công việc như rà soát để kê khai giảm giá.
Bên cạnh đó, thực hiện công điện của Thủ tướng về tăng cường các biện pháp quản lý điều hành giá, Bộ GTVT tiếp tục có văn bản chỉ đạo các cơ quan rà soát khẩn trương, triển khai thực hiện các nhiệm vụ. Bộ cũng yêu cầu các tổng cục, cục phối hợp chặt chẽ với các Sở GTVT địa phương để làm việc với các đơn vị.
“Chúng tôi kỳ vọng thời gian tới khi giá xăng dầu giảm ổn định thì giá vận tải cũng sẽ giảm theo giá xăng dầu”, ông Sang nói thêm.
Giảm thuế nhập khẩu với xăng từ mức 20% về 10%
Liên quan đến vấn đề thuế với mặt hàng xăng dầu, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho biết, trước tác động dịch bệnh và những khó khăn của doanh nghiệp, người dân, Bộ Tài chính đã báo cáo các cấp có thẩm quyền để điều chỉnh các loại thuế phí, nhằm tháo gỡ khó khăn.
Cụ thể, về giảm thuế bảo vệ môi trường, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Ngày 6/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Nghị quyết 20 điều chỉnh giảm mức thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn trong khung thuế quy định tại Luật Thuế bảo vệ môi trường đến hết ngày 31/12/2022. Nghị quyết này có hiệu lực ngay từ ngày 11/7/2022.
Thứ trưởng Hưng cho biết, để triển khai nghị quyết, Bộ Tài chính đã có công văn chỉ đạo các cục thuế, hải quan để tổ chức thực hiện thống nhất, kịp thời.
Còn thuế nhập khẩu với mặt hàng dầu cơ bản là 0%. Với mặt hàng xăng, thuế nhập khẩu trong khối ASEAN là 8%, ngoài ASEAN theo biểu thuế ưu đãi tối huệ quốc là 20%.
Để tháo gỡ khó khăn, đồng thời đa dạng hóa nguồn cung, ông Hưng cho biết, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ theo hướng giảm thuế nhập khẩu với xăng từ mức 20% về 10% để gia tăng nguồn cung.
Ngoài ra, Bộ Tài chính đã có báo cáo Chính phủ rà soát, căn cứ tình hình thị trường để có phương án điều chỉnh thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng xăng dầu.
“Thời gian tới, căn cứ diễn biến thị trường, căn cứ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền để xử lý theo đúng thẩm quyền”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho hay.