Căn nhà ngập rác nằm trong dãy 6 ngôi nhà có sân thượng mà Kim Woodcock đến từ Hobart (Australia) sở hữu.
"Vừa mở cửa, tôi choáng váng và bị sốc. Thật không thể tin được. Mùi hôi thối tràn ngập mọi nơi", bà cho biết.
Khắp căn nhà toàn là rác. Nào là những vỏ hộp thức ăn cho mèo, chai nhựa, túi nilông, hộp các tông ... vứt khắp nhà.
Đống rác ngập đến mắt cá chân của bà Kim. Mùi thức ăn ôi thiu, nấm mốc, bốc lên. Con mèo của khách thuê cũng phá hỏng đồ đạc, theo News.
"Tôi đi thẳng đến siêu thị và mua một số găng tay cao su cỡ lớn. Khách thuê nhà đã ở đây một thời gian. Tôi cũng nhiều lần giúp cậu ta trong lúc khó khăn. Thật tức giận khi lòng tốt đặt không đúng chỗ", bà nói.
Bà Kim đã tiêu tốn khoảng 22.854 USD cho quá trình dọn đẹp núi rác khổng lồ trong nhà. Tuy nhiên, hậu quả chưa dừng lại ở đây.
Căn nhà đầy rác lan truyền khắp nơi khiến bà gặp khó khăn trong việc cho thuê. Bà định xin giấy phép chuyển đổi thành nhà cho thuê ngắn ngày để tiện quản lý nhưng gặp nhiều chỉ trích.
Bà cho biết: "Tôi đã đổ nhiều mồ hôi và nước mắt trong vài tháng để dọn dẹp và khôi phục lại tài sản. Đây không chỉ là khó khăn về thể chất và tinh thần mà còn là gánh nặng tài chính. Nếu chuyển sang cho thuê ngắn ngày, tôi không còn lo lắng vì khách thuê tàn phá nhà như vậy nữa".
Bảy tháng sau vụ việc, bà nộp đơn xin giấy phép biến căn nhà thành nơi lưu trú ngắn hạn qua hội đồng thành phố Hobart. Bà dự định cho khách du lịch thuê trên các nền tảng như Airbnb, Stayz.
Bà cho biết ngôi nhà hiện đang bỏ trống và 2 căn khác đang được cải tạo. Giá thuê nhà ở Hobart tăng quá cao. Những khách thuê của bà Kim cũng cân nhắc chuyển đi nơi khác.
"Tôi là một chủ doanh nghiệp nhỏ làm việc chăm chỉ. Tôi làm việc, tích góp cả đời để mua và duy trì những tài sản này. Chúng trở thành nguồn thu nhập cho tuổi già của tôi", bà tâm sự.
Tuy nhiên, người dân địa phương và một số thành viên hội đồng thành phố Hobart chỉ trích rằng, việc cho thuê căn nhà ngập rác của bà Kim đã góp phần vào cuộc khủng hoảng.
Louise Elliot, ủy viên hội đồng thành phố, người ủng hộ bà Kim, cho rằng đó là mong muốn chính đáng. Cô từng tận mắt chứng kiến tình trạng tồi tệ trong nhà của bà Kim nhưng nay đã được dọn sạch sẽ.
"Đó là cảnh tượng kinh khủng. Mùi hôi thối có thể ngửi thấy từ ngoài đường. Hầu hết những chủ nhà đều tuân thủ đúng hợp đồng, đáng buồn thay, một bộ phận người thuê nhà tỏ ra không tôn trọng. Nếu chuyển sang lưu trú ngắn ngày, chủ nhà có thể trông coi tài sản của mình tốt hơn. Bà Kim đã trải qua cơn ác mộng".
Bên cạnh đó, nhiều chủ nhà cho thuê khác ở Hobart đổ lỗi cuộc khủng hoảng tại địa phương là do chủ sở hữu các cơ sở lưu trú ngắn ngày.
Theo Louise, nỗ lực cải thiện khủng hoảng nhà nên tập trung vào vấn đề khác ngoài chuyện của các cơ sở lưu trú ngắn ngày. Chẳng hạn như cung cấp nhiều nhà ở xã hội hơn, cắt giảm thủ tục hành chính rườm rà trong quy hoạch và các lựa chọn nhanh hơn.
"Tại cuộc họp hội đồng lần trước, tôi đã đưa ra kiến nghị khuyến khích mọi người thuê những phòng ngủ trống. Trên khắp Australia, mỗi đêm có hàng triệu phòng bỏ không. Hàng nghìn phòng trong số đó là ở Hobart. Thế nhưng, hội đồng lại bỏ phiếu phản đối", cô cho biết.