CẦN LÀM MẠNH KHI ĐÃ RÕ QUAN ĐIỂM
Theo GS.TS Phùng Hữu Phú - nguyên Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan đảng Trung ương, để đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới thì một trong những việc cần làm ngay là tinh gọn bộ máy. Tuy nhiên, muốn bộ máy tinh gọn thì trước hết phải có một mô hình.
“Lâu nay vì sao chúng ta cứ nhập vào tách ra là vì thiếu một mô hình tổng thể. Trên mô hình tổng thể đó mới có thể điều chỉnh, sắp xếp bộ máy một cách khoa học”, GS.TS Phùng Hữu Phú nói.
Nguyên Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan đảng Trung ương cho rằng, lần sắp xếp này cần phải phân vai rõ ràng, tránh trùng lặp giữa các cơ quan. “Chúng ta cần phân vai cho rõ để có một bộ máy phù hợp. Chứ không phải là cơ quan này có gì thì cơ quan khác cũng phải như vậy”, ông Phùng Hữu Phú chia sẻ.
GS.TS Phùng Hữu Phú nhấn mạnh, việc sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả cần phải có quyết tâm cao. Trong quá trình thực hiện sẽ không tránh khỏi những đụng chạm. Ông cũng lưu ý, quyết tâm tinh gọn bộ máy nhưng ‘không duy ý chí’. Bởi cán bộ là gốc rễ của vấn đề và nếu muốn có một tổ chức tốt thì phải xây dựng đội ngũ cán bộ phù hợp.
“Đây là công việc rất công phu, đòi hỏi sự quyết tâm, quyết liệt nhưng phải toàn diện, thận trọng, trung tâm vẫn là con người. Và khi đã rõ quan điểm như thế thì chúng ta phải làm mạnh. Trong kinh tế, nếu làm không chắc thì gây ra thiệt hại nhưng khắc phục không khó, còn tổ chức mà sai thì sẽ gây hậu quả lớn. Phải làm, quyết làm nhưng phải làm khoa học, chắc chắn và chặt chẽ”, ông Phùng Hữu Phú nói thêm.
MỖI TỔ CHỨC PHẢI RÕ VỀ CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ
PGS.TS Lê Minh Thông – nguyên Trợ lý Chủ tịch Quốc hội cho rằng, tổ chức hệ thống chính trị vẫn còn khá cồng kềnh, nhiều tầng nấc, chức năng nhiệm vụ của các tổ chức thành viên vẫn còn tình trạng trùng lặp, chồng chéo. Chi phí tổ chức và hoạt động của bộ máy từ nguồn ngân sách khá lớn, khoảng 70% ngân sách hằng năm.
Theo PGS.TS Lê Minh Thông, những bất cập, hạn chế trong tổ chức và hoạt động trên nếu chậm được khắc phục sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tiến trình vươn mình của dân tộc trong kỷ nguyên phát triển mới. “Vấn đề có tính cấp thiết vẫn là thực hiện ‘một cuộc cách mạng’ về tổ chức bộ máy để mỗi tổ chức thật sự rõ về chức năng, nhiệm vụ, hiệu lực, hiệu quả”, ông Thông nói.
Việc đầu tiên của việc sắp xếp bộ máy, theo PGS.TS Lê Minh Thông đó là phải khắc phục một cách quyết liệt sự trùng lặp chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức. Ngoài ra, các cơ quan nhà nước cũng cần phải đổi mới tư duy, chỉ làm những việc xã hội không làm được, nền kinh tế không làm được, doanh nghiệp không làm được. Còn nếu cứ ôm đồm, nhiều việc sẽ không làm được đến nơi, đến chốn.
Điểm mới nữa trong việc đổi mới bộ máy, theo ông Lê Minh Thông là phải tinh gọn nhân lực. “Cốt lõi của việc tinh gọn bộ máy chính là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Muốn như vậy phải đổi mới công tác cán bộ. Đổi mới công tác cán bộ là chìa khóa vì cán bộ là gốc vấn đề. Làm sao cán bộ được lựa chọn thực sự đáp ứng được yêu cầu của công cuộc vươn mình của dân tộc”, ông Lê Minh Thông chia sẻ.
Để làm được điều đó, theo PGS.TS Lê Minh Thông, đã đến lúc phải công khai công tác cán bộ, dựa vào dân để làm công tác cán bộ. Trao cho cán bộ, đảng viên, nhân dân quyền tham gia vào lựa chọn cán bộ. Như vậy mới khắc phục được tình trạng ‘đúng quy trình mà không đúng người’.
YÊU CẦU CẤP BÁCH CẦN PHẢI LÀM NGAY
Ủng hộ việc sắp xếp, kiện toàn bộ máy, theo đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội), đây là yêu cầu cấp bách, không chỉ thực hiện từ cấp xã, phường mà phải thực hiện cả cấp bộ ngành và tỉnh thành. Bởi hiện nay còn tồn tại tình trạng ‘bộ trong bộ’ dẫn đến chồng chéo chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ ngành. Ngoài ra, theo ông, đất nước hơn 100 triệu dân, nhưng có đến 63 tỉnh, thành là quá nhiều.
“Tổng Bí thư đã nói, chi thường xuyên của chúng ta quá lớn, khoảng 70% ngân sách. Như vậy, còn tiền đâu để chi đầu tư phát triển. Nếu tính trên bình quân dân số, chắc khó thấy nước nào số cán bộ, công chức, người lao động hưởng lương từ ngân sách nhiều như nước ta. Đó là điều rất nhức nhối, cần phải thực hiện cuộc cách mạng về sắp xếp bộ máy”, ông Phạm Văn Hòa nói.
Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, rào cản lớn nhất trong thực hiện chủ trương này chính là con người. “Nhiều cán bộ, công chức ‘sáng cắp ô đi, tối cắp ô về’, nhưng năm nào cũng hoàn thành nhiệm vụ trở lên thì biết tinh giản ai. Do vậy, muốn làm được điều này, trước tiên cần phải vượt qua rào cản tâm lý, đồng thời có chính sách đánh giá, tinh giản khoa học hơn, tránh cào bằng”, đại biểu Phạm Văn Hòa nói thêm.