Trong khi đó bộ máy quản lý dù đã phình to vẫn không thể đáp ứng kịp thời nhu cầu giao dịch khổng lồ của nền kinh tế vốn đa dạng và phức tạp.
LTS: Tuần Việt Nam trân trọng giới thiệu kì cuối của bài viết góp ý văn kiện ĐH Đảng của TS Phạm Gia Minh.
>> Xem lại Kì 1: Cùng cơ chế thị trường, tại sao nhiều nước không bứt phá?
>> Xem lại Kì 2: Nhiều quan chức nhanh chóng cực giàu nhờ "lỗ hổng"
Bộ máy quản lí phình to
Nếu như thể chế được hiểu là các quy định, quy tắc mà theo đó nhà nước, doanh nghiệp và người dân tương tác lẫn nhau thì trong nền kinh tế thị trường có một lĩnh vực tương tác rất quan trọng mà bấy lâu nay các nhà kinh tế theo quan điểm truyền thống đã bỏ qua. Đó là khu vực dịch vụ giao dịch phục vụ thị trường.
Nền kinh tế càng phát triển thì quá trình chuyên môn hóa càng diễn ra nhanh hơn dẫn đến số lượng các giao dịch và tương tác giữa các chủ thể trên thị trường tăng theo cấp số nhân.
Ví dụ như để sản xuất một chiếc i-phone sẽ cần tới vài ngàn linh kiện do hàng chục nhà sản xuất linh kiện phụ trợ cung ứng, hàng vạn đại lý bán buôn và bán lẻ trên toàn cầu, các ngân hàng cung cấp vốn, các công ty truyền thông, quảng cáo, tổ chức sự kiện ra mắt sản phẩm mới…Như vậy bên cạnh ngành công nghiệp phụ trợ còn có khu vực dịch vụ giao dịch phụ trợ rất thiết yếu cho hoạt động phong phú được chuyên môn hóa cao của thị trường hiện đại.
Dường như chúng ta đã quen với thực tế diễn ra từ thời bao cấp là các cơ quan chủ quản, các Bộ, ngành là nơi gánh vác trách nhiệm thực hiện phần lớn các giao dịch đó với chi phí không hạch toán vào sản phẩm của đơn vị sản xuất. Kết quả là kinh tế càng phát triển, khối lượng tương tác tăng thì bộ máy quản lý kinh tế của nhà nước lại càng phình to. Tuy chi phí giao dịch là một con số không nhỏ nhưng nó không được tính đủ vào giá thành của đơn vị kinh doanh khiến bức tranh về hiệu quả kinh tế bị méo mó.
Trong khi đó bộ máy quản lý dù đã phình to vẫn không thể đáp ứng kịp thời nhu cầu giao dịch khổng lồ của nền kinh tế vốn đa dạng và phức tạp. Kết cục là tình trạng trì trệ khi giải quyết các thủ tục, thái độ cửa quyền, nạn nhũng nhiễu doanh nghiệp…đã trở thành vấn nạn. Tuy vậy ngân sách vẫn phải chi những khoản tiền lớn để vận hành bộ máy kém hiệu năng đó.
Nạn nhũng nhiễu doanh nghiệp…đã trở thành vấn nạn. Ảnh minh họa: Cafef.vn |
Trong đời sống xã hội cũng diễn ra đồng thời quá trình đa dạng hóa các quan hệ, số lượng các tương tác phi sản xuất cũng gia tăng nhanh chóng, đặc biệt trong mấy chục năm gần đây dưới tác động của cách mạng truyền thông, Internet và quá trình toàn cầu hóa.
Để quản lý những tương tác đó bấy lâu nay chúng ta dựa vào bộ máy khổng lồ với số công chức ăn lương từ ngân sách lên tới 2,8 triệu (trong khi đó nước Mỹ với dân số gấp 3,5 lần, năng suất lao động cao gấp nhiều lần Việt Nam thì chỉ có 2,1 triệu công chức). Có tới 35% chi ngân sách là để trả lương và hàng năm cần tới 40.000 tỷ để tăng lương cho bộ máy. [1]
Với những chi phí không nhỏ từ ngân sách cho bộ máy công quyền thì cách hữu hiệu để hàng hóa và dịch vụ Việt Nam mang tính cạnh tranh trong toàn cầu hóa đó là nâng cao năng suất.
Tuy nhiên trong những năm gần đây tăng trưởng của Việt Nam chủ yếu dựa vào vốn mà không chú trọng thay đổi công nghệ – điều kiện tiên quyết để tăng năng suất. Dường như chúng ta đang lặp lại tình trạng năng suất lao động suy giảm của Liên Xô vào những năm 80 thế kỷ trước.
Xây dựng ngành dịch vụ giao dịch
Một giải pháp “nhất cử lưỡng tiện” là điều động đội ngũ nhân sự đông đảo nhưng kém hiệu quả từ các bộ máy công quyền sang xây dựng các ngành dịch vụ giao dịch phục vụ thị trường. Điều này tạo cơ sở để các tổ chức Đảng, chính quyền và đoàn thể kiện toàn lại bộ máy cho gọn nhẹ, đa năng nhưng hiệu quả cao, đồng thời góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường với khu vực dịch vụ giao dịch phát triển.
Nếu Trung Quốc đã học tập hình mẫu Hồng Kông trước kia thì ngày nay chúng ta có thêm nhiều mô hình kinh tế dịch vụ thành công như Singapore, Malaysia, Israel…để tham khảo. Xin cung cấp một thông tin ở Mỹ từ năm 1970 đã có tới 46% lực lượng lao động làm việc trong các ngành dịch vụ giao dịch phục vụ thị trường và tạo ra hơn 50% GNP (Gross National Product). [2]
Bộ máy công quyền chuyên cung cấp các dịch vụ công có thể kiện toàn thu nhỏ lại nhưng hiệu năng phục vụ lại cao hơn bằng cách phát triển các hình thức tự phục vụ của các tổ chức cộng đồng . Nhiều nước trên thế giới từ lâu đã thực hiện thành công mô hình xã hội hóa các dịch vụ công cộng.
Một khi làm được một bước chuyển mang tính cải cách như vậy thì bộ máy của Đảng và chính quyền sẽ có điều kiện tinh giản, tăng tính chuyên nghiệp và cải thiện đáng kể chế độ đãi ngộ (Singapore là một mô hình để tham khảo), hạn chế nạn tham nhũng hối lộ và tiến tới đóng vai trò của một bộ máy quản lý mang tính chất kiến tạo phát triển.
Mặt khác, khi đó khu vực dịch vụ giao dịch phục vụ thị trường sẽ nhận được sự quan tâm đúng mức của xã hội và sẽ phát triển mạnh mẽ cả về lượng cũng như về chất, đóng góp thêm giá trị gia tăng cho nền kinh tế, tạo thu nhập xứng đáng cho người lao động.
Hy vọng rằng khi đó sẽ không còn cái cảnh doanh nhân TQ dùng tiểu xảo đi thu mua nông, lâm, hải sản Việt Nam để rồi lại bỏ rơi người nông dân Việt Nam với đống hàng hóa ế ẩm khiến sản xuất trong nước đi vào đình đốn.
Công cuộc cải cách thể chế ở Trung Quốc vẫn còn đang dang dở. Ảnh: Xinhua |
Với khu vực dịch vụ giao dịch phát triển thị trường nội địa và sản xuất xuất khẩu đều được hưởng lợi khi mà các loại hình dịch vụ ngày một phong phú hơn, chất lượng cao hơn và điều có ý nghĩa hơn cả đó là thể chế kinh tế thị trường của Việt Nam sẽ tạo thêm sức hấp dẫn dòng vốn cũng như nhân lực tay nghề cao đến từ trong và ngoài nước.
TQ cải cách theo kiểu “ném đá dò đường”
Sẽ không thừa nếu nhìn lại kinh nghiệm cải cách thể chế và chuyển đổi nền kinh tế của các nước trong khối XHCN trước đây.
Ở Liên Xô, chủ trương tự do hóa thị trường và tư nhân hóa theo kịch bản “vụ nổ lớn” đã làm cho bộ máy kế hoạch từng điều phối tất cả các hoạt động sản xuất và trao đổi trong một nền kinh tế chuyên môn hóa cao đột ngột bị sửa đổi trong khi đó các ngành dịch vụ cần thiết cho một nền kinh tế thị trường hiện đại lại hầu như hoàn toàn thiếu vắng.
Sự sụp đổ của bộ máy hành chính vốn đóng vai trò chủ đạo thực hiện mọi giao dịch kinh doanh- sản xuất – phân phối lưu thông đã tạo ra một “khoảng trống thể chế” ở nước Nga dẫn đến sự ngưng trệ toàn bộ nền kinh tế công nghiệp hóa trình độ cao trong khi các nhóm hoạt động xã hội và cộng đồng dân cư sau 70 năm quen với lối sống bao cấp hầu như không thể tham gia hỗ trợ hiệu quả để sửa sai những khiếm khuyết tạm thời của bộ máy hành chính.
Trung Quốc cải cách kinh tế thận trọng theo phương châm “ném đá dò đường” và bắt đầu từ nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ địa phương trước khi áp dụng ở các trung tâm lớn đồng thời nhanh chóng xây dựng khu vực giao dịch phục vụ thị trường theo mô hình hiện đại của phương Tây mà Hồng Kông là một kiểu mẫu lúc ban đầu nên đã mang lại những phát triển vượt bậc trong hơn 30 năm qua.
Để tinh giản bộ máy hành chính cồng kềnh, Trung Quốc đã tiến hành nhất thể hóa cơ cấu lãnh đạo Đảng và chính quyền và áp dụng quy trình tuyển chọn, thu hút nhân tài vào các cơ quan Nhà nước.
Tuy vậy công cuộc cải cách thể chế ở Trung Quốc vẫn còn đang dang dở khi mà mối quan hệ then chốt là quyền sở hữu toàn dân - ủy quyền – phân quyền chưa được giải quyết thỏa đáng khiến tham nhũng trên quy mô lớn trong mọi lĩnh vực đang trở thành mối đe dọa sự tồn vong của chế độ và Đảng cộng sản TQ, khiến TQ khó vượt ra khỏi cái bẫy thu nhập trung bình. Cũng vì lẽ đó mà nền kinh tế TQ vẫn mang những đặc thù của một nền kinh tế “gần giống thị trường” khiến nhiều động lực sáng tạo bị thui chột.
Bộ máy thanh tra, kiểm soát các cấp của Đảng và chính quyền trong bối cảnh chung có những ràng buộc mang tính hệ thống do giữa cải cách kinh tế và cải cách chính trị ở TQ vẫn chưa đồng bộ nên hoạt động thiếu hiệu quả.
Bài học cải cách thể chế trong nước từ Đổi mới I (khởi nguồn từ Đại hội VI) và những kinh nghiệm quốc tế càng làm sáng tỏ thêm một điều: để thành công phải kiên trì cải cách thể chế theo hướng đồng bộ, phát huy sức mạnh toàn dân vốn dĩ rất tiềm tàng trong những thể chế ẩn mà lịch sử và văn hóa Việt Nam đã ban tặng.
Với tinh thần tự lực, tự cường và sáng tạo chúng ta hoàn toàn có thể làm nên một Đổi mới II thành công để đưa đất nước lên tầm vóc mới của sự phồn vinh, tiến bộ xã hội, tự do và dân chủ.
Phạm Gia Minh