Thời gian gần đây, nhiều phụ huynh có con đang học tiểu học ở tỉnh Quảng Bình phản ánh, họ bất ngờ khi nhận được thông báo của trường do giáo viên chủ nhiệm chuyển đến, yêu cầu các cháu tham gia cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc của tỉnh năm 2024 với những câu hỏi quá khó so với lứa tuổi của các em.
Theo đó, cuộc thi này được Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Quảng Bình triển khai trên toàn tỉnh. Phòng GD-ĐT các huyện sau đó có văn bản gửi đến toàn bộ các trường tiểu học và THCS trực thuộc.
Trường Tiểu học số 2 Hoàn Lão (thị trấn Hoàn Lão, huyện Bố Trạch) là một trong những trường tham gia cuộc thi này.
Chị T.N.T có con đang học lớp 1 của trường cho biết, chị nhận được thông báo từ giáo viên chủ nhiệm vào nhóm lớp về việc cho con tham gia cuộc thi, kèm theo đó là thể lệ và câu hỏi có đóng dấu của sở.
Theo thể lệ cuộc thi được trường phổ biến có 2 đề thi, học sinh tham gia chọn một trong hai đề và trả lời đầy đủ hai câu hỏi đặt ra trong đề thi mình đã chọn.
Trong đề thi thứ nhất có hai câu hỏi, câu đầu tiên: "Trong các tác phẩm đã đọc, nhân vật nào đã truyền cảm hứng, hướng em tới lối sống tích cực, có trách nhiệm với xã hội, khơi dậy khát vọng cống hiến và phát triển đất nước?".
Câu thứ hai: "Em hãy xây dựng kế hoạch hành động nhằm phát triển văn hóa đọc cho bản thân và cộng đồng, đặc biệt với các bạn là trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em khuyết tật".
Ở đề số 2 cũng có hai câu, nhưng chỉ khác đề số 1 ở câu đầu tiên: "Viết tiếp lời cho một câu chuyện hoặc một cuốn sách mà em đã đọc nhằm lan tỏa tình yêu đọc sách, thông qua đó khơi dậy trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội và khơi dậy niềm tự hào dân tộc, tình yêu với Tổ quốc".
Hình thức bài thi, các học sinh được yêu cầu thực hiện một trong hai hình thức. Nếu dự thi bằng bài viết, bài viết tay hoặc đánh máy không quá 5.000 từ, tức dưới 15 trang đánh máy.
Nếu dự thi bằng video clip, clip dài tối thiểu 5 phút, tối đa 10 phút. Thể lệ còn yêu cầu bài dự thi phải do cá nhân thí sinh thực hiện.
Theo nhiều phụ huynh, việc yêu cầu học sinh tiểu học, đặc biệt là học sinh lớp 1, lớp 2 tham gia cuộc thi là không phù hợp.
“Con tôi còn đang phải đánh vần mặt chữ làm sao trả lời được 2 đề thi nói trên. Đọc đề thi này phụ huynh còn đau đầu chứ nói gì đến các cháu”, chị T. nói.
Cuộc thi quá sức
Trả lời VietNamNet, bà Nguyễn Thị Nhàn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 2 Hoàn Lão (thị trấn Hoàn Lão, huyện Bố Trạch) nói: “Trường nhận được công văn vào những ngày cuối cùng của năm học, vì trong công văn nêu rõ đối tượng tham gia là học sinh tiểu học và THCS nên đã giao cho các lớp. Sau đó cô chủ nhiệm nhắn tin vào nhóm lớp yêu cầu các em tham gia”.
Cũng theo bà Nhàn, sau khi kiểm tra lại, phát hiện đề thi này quá sức với nhiều học sinh nên đã yêu cầu các giáo viên thông báo lại, cuộc thi này không bắt buộc, chỉ khuyến khích động viên tham gia.
Trong khi đó, ông Võ Hải Quân, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Bố Trạch, thông tin, phòng chỉ chuyển tiếp công văn của sở và khuyến khích các trường nghiên cứu thể lệ để tham gia chứ không bắt buộc.
Theo một lãnh đạo Sở Văn hoá- Thể thao Quảng Bình, đây là năm thứ 2 tỉnh tham gia cuộc thi này, việc triển khai đến các đơn vị giáo dục không theo hình thức bắt buộc các học sinh tiểu học phải thi, chỉ khuyến khích, động viên tinh thần các em mong muốn tham gia.
Cũng theo lãnh đạo này, các câu hỏi chưa phù hợp với học sinh tiểu học. “Chúng tôi sẽ bàn bạc lại cùng các bộ phận chuyên môn, xem xét, đề xuất đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc chọn lựa lứa tuổi phù hợp trong kỳ thi này” vị này nói.