Theo Bộ Nội vụ, tính đến ngày 31/12/2024, số lượng cán bộ, công chức cấp xã là trên 212.600 người, trong đó có 92,4% tốt nghiệp đại học trở lên và 7,6% tốt nghiệp cao đẳng trở xuống.
Trước đó, dự thảo Luật Cán bộ, công chức sửa đổi đề xuất không phân biệt công chức cấp xã với công chức cấp tỉnh, cấp Trung ương.
Ngoài ra, Điều 53 dự thảo Luật quy định: Kể từ ngày Luật này có hiệu lực, cán bộ, công chức cấp xã theo quy định của Luật Cán bộ, công chức năm 2008 (được sửa đổi, bổ sung tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019) được giữ nguyên số lượng biên chế cho đến khi hoàn thành việc rà soát, tinh giản, cơ cấu lại và sắp xếp theo vị trí việc làm của chính quyền địa phương; được bảo lưu mức tiền lương hiện hưởng cho đến khi bố trí việc làm mới theo quy định của Chính phủ.
Trong thời hạn 5 năm, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải sắp xếp, tinh giản và cơ cấu lại đội ngũ theo đề án vị trí việc làm đã được phê duyệt.
Chính phủ xây dựng lộ trình, ban hành quy định từng bước chuyển đổi quản lý theo vị trí việc làm trong thời hạn 5 năm tính từ ngày Luật này có hiệu lực.
Trong thời hạn 5 năm, việc quản lý đội ngũ, các nội dung về tuyển dụng, quản lý, sử dụng công chức tiếp tục thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Theo chủ trương của Bộ Chính trị, dự kiến cả nước sẽ sáp nhập một số tỉnh, giảm còn 34 tỉnh, thành và hơn 5.000 đơn vị hành chính cấp xã. Đồng thời, cả nước sẽ không còn 696 huyện như hiện nay.
Mô hình chính quyền địa phương 2 cấp dự kiến gồm cấp tỉnh (thành phố trực thuộc Trung ương) và cấp cơ sở gồm xã, phường, đặc khu tại hải đảo.
Cán bộ không chuyên trách dôi dư trong sắp xếp bộ máy, sáp nhập đơn vị hành chính được hưởng trợ cấp khi nghỉ việc theo Nghị định 29/2023 của Chính phủ về tinh giản biên chế.
Cuộc tranh luận tuyển chọn cán bộ xã dựa vào bằng cấp chính quy hay tại chức vẫn rất “nóng hổi”. Độc giả tiếp tục gửi ý kiến về VietNamNet, chia sẻ trải nghiệm của bản thân và so sánh trình độ của những người sở hữu 2 loại bằng này.
Một trong những vấn đề quan trọng khi sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính là công tác bố trí và tuyển chọn cán bộ, công chức, nhất là cấp lãnh đạo, quản lý; ai đi, ai ở là một bài toán đặt ra không hề đơn giản.