Theo đó, có 4 nhóm đối tượng được hưởng chính sách nâng bậc lương thường xuyên.
Thứ nhất, cán bộ, công chức, viên chức xếp lương theo bảng lương chuyên gia cao cấp, các bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ, thừa hành, phục vụ làm việc trong các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến xã, phường, thị trấn và trong các đơn vị sự nghiệp công lập.
Thứ hai, những người xếp lương theo bảng lương chuyên gia cao cấp, bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ, thừa hành, phục vụ do Nhà nước quy định được cấp có thẩm quyền quyết định đến làm việc tại các dự án và các cơ quan, tổ chức quốc tế đặt tại Việt Nam mà vẫn thuộc danh sách trả lương của cơ quan, đơn vị.
Thứ ba, những người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập có thỏa thuận trong hợp đồng lao động xếp lương theo Nghị định số 204/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
Thứ tư, những người xếp lương theo bảng lương do Nhà nước quy định thuộc chỉ tiêu biên chế được ngân sách nhà nước cấp kinh phí trong các hội có tính chất đặc thù quy định tại Nghị định số 45/2010 về tổ chức, hoạt động và quản lý hội và Quyết định số 68/2010 về việc quy định hội có tính chất đặc thù.
2 tiêu chuẩn được nâng bậc lương thường xuyên
Những trường hợp này nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch công chức (ngạch), trong chức danh nghề nghiệp viên chức, chức danh chuyên gia cao cấp và chức danh chuyên môn, nghiệp vụ ngành Tòa án, ngành Kiểm sát (chức danh) hiện giữ, thì được xét nâng một bậc lương thường xuyên khi có đủ điều kiện thời gian giữ bậc trong ngạch hoặc trong chức danh và đạt đủ tiêu chuẩn nâng bậc lương thường xuyên trong suốt thời gian giữ bậc lương.
Cụ thể, đối với chức danh chuyên gia cao cấp, nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng trong bảng lương chuyên gia cao cấp, thì sau 5 năm (đủ 60 tháng) giữ bậc lương trong bảng lương chuyên gia cao cấp được xét nâng một bậc lương.
Đối với các ngạch và các chức danh có yêu cầu trình độ đào tạo từ cao đẳng trở lên, nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh, thì sau 3 năm (đủ 36 tháng) giữ bậc lương trong ngạch hoặc trong chức danh được xét nâng một bậc lương.
Đối với các ngạch và các chức danh có yêu cầu trình độ đào tạo từ trung cấp trở xuống và nhân viên thừa hành, phục vụ, nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh, thì sau 2 năm (đủ 24 tháng) giữ bậc lương trong ngạch hoặc trong chức danh được xét nâng một bậc lương.
Các nhóm đối tượng trên có đủ điều kiện thời gian giữ bậc trong ngạch hoặc trong chức danh và qua đánh giá đạt đủ 2 tiêu chuẩn trong suốt thời gian giữ bậc lương thì được nâng một bậc lương thường xuyên. Đó là được đánh giá và xếp loại chất lượng ở mức từ hoàn thành nhiệm vụ trở lên và không vi phạm kỷ luật một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức.
Những trường hợp bị kéo dài thời gian nâng lương
Thông tư cũng quy định thời gian bị kéo dài xét nâng bậc lương thường xuyên 12 tháng đối với các trường hợp: Cán bộ bị kỷ luật cách chức; công chức bị kỷ luật giáng chức hoặc cách chức; viên chức và người lao động bị kỷ luật cách chức.
Kéo dài thời gian được nâng lương 6 tháng đối với các trường hợp: Cán bộ, công chức và người lao động bị kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo; viên chức bị kỷ luật cảnh cáo; cán bộ, công chức, viên chức và người lao động không hoàn thành nhiệm vụ được giao hằng năm. Trường hợp trong thời gian giữ bậc có 2 năm không liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ được giao thì mỗi năm không hoàn thành nhiệm vụ được giao bị kéo dài 6 tháng. Kéo dài thời gian nâng lương 3 tháng đối với viên chức bị kỷ luật khiển trách…
Các đối tượng trên đạt đủ 2 tiêu chuẩn quy định Thông tư này và lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ được nâng bậc lương thường xuyên thì được xét nâng một bậc lương trước thời hạn tối đa là 12 tháng so với thời gian quy định.
Tỷ lệ người được nâng bậc lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc không quá 10% tổng số cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong danh sách trả lương của cơ quan, đơn vị.
Thông tư này không áp dụng đối với cán bộ thuộc diện xếp lương theo bảng lương chức vụ đã được xếp lương theo nhiệm kỳ; Cán bộ cấp xã là người đang hưởng chế độ hưu trí hoặc trợ cấp mất sức lao động; Công chức cấp xã chưa tốt nghiệp đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ.
Thu Hằng
Những trường hợp được hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung
Điểm mới về nâng bậc lương, phụ cấp thâm niên với cán bộ, công chức, viên chức
Bộ Nội vụ bổ sung, sửa đổi nhiều điểm mới về nâng bậc lương thường xuyên, nâng bậc lương trước thời hạn và chế độ phụ cấp thâm niên vượt khung với cán bộ, công viên chức và người lao động.
Dấu ấn về nữ Bộ trưởng Nội vụ đầu tiên sau 1 năm nhậm chức
Lần đầu tiên cả nước vượt mục tiêu tinh giản biên chế; bộ máy tinh gọn hàng chục sở ngành, hàng nghìn phòng ban; hàng trăm chứng chỉ bồi dưỡng vô bổ được cắt giảm…