Về phương thức tuyển sinh năm 2023, các trường trong quân đội tiếp tục thực hiện tuyển sinh theo phương án của Bộ GD-ĐT, tổ chức một kỳ thi chung đó là kỳ thi tốt nghiệp THPT, lấy kết quả kỳ thi này để xét tuyển sinh đại học, cao đẳng.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Oanh, Cục trưởng Cục Nhà trường, Phó Trưởng ban tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng khẳng định năm nay, các trường quân đội chưa tổ chức kỳ thi riêng.
Song theo ông Oanh, thực tế, trong báo cáo tổng kết năm 2022, Ban tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng cũng xác định phải tiến hành đổi mới.
“Việc đổi mới ở mức độ như thế nào còn phải tùy thuộc vào tình hình. Trong chỉ lệnh, chúng tôi cũng đã giao cho Học viện Kỹ thuật quân sự tiến hành xây dựng đề án tuyển sinh mới, để thí điểm rồi nhân rộng phương thức tuyển sinh qua kỳ thi đánh giá năng lực riêng. Sau khi được giao nhiệm vụ, Học viện Kỹ thuật quân sự cũng đã xây dựng đề án và xin ý kiến rộng rãi, trong đó có cả Bộ GD-ĐT, cụ thể là Vụ Giáo dục Đại học.
Phía Bộ GD-ĐT cho rằng quy mô nhỏ như vậy không nên tổ chức thi. Đến nay, chúng tôi đang có bản thảo và chuẩn bị sẽ có đề án tuyển sinh mới cho toàn bộ công tác tuyển sinh của quân đội. Hiện, chúng tôi đang gấp rút ngày đêm hoàn thành, để có thể thực hiện một phần nào đó đề án tuyển sinh này từ năm 2023”, ông Oanh nói.
Tuy nhiên, riêng về phương thức tuyển sinh, ông Oanh cho hay, Bộ Quốc phòng đang rất thận trọng. “Bởi đặc điểm của công tác tuyển sinh là rất nhạy cảm, đòi hỏi tính công bằng, chính xác rất cao và tác động xã hội nên chúng tôi cũng rất thận trọng, từng bước một”.
Theo đề án đang được xây dựng, ông Oanh cho hay, sẽ sử dụng đa dạng hóa các phương thức tuyển sinh, vừa xét theo học bạ, vừa theo điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT, vừa tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực, xét tuyển thẳng...
“Hướng của đề án tuyển sinh như vậy. Từ nay đến tháng 7 năm nay sẽ thông qua đề án này, còn phương thức tuyển sinh phải có lộ trình”, ông Oanh nói.
Ông Oanh cũng cho rằng, thực chất công tác sơ tuyển gồm khám sức khỏe, xét lý lịch của Bộ Quốc phòng cũng đã như là một kỳ thi và cũng tương đối ngặt nghèo.
“Như hiện nay, các học sinh mắc tật khúc xạ chiếm lượng khá lớn. Chúng tôi đi khảo sát khoảng 11.000 học sinh ở các trường có những nơi xấp xỉ 40% các em mắc tật khúc xạ”, ông Oanh nói và cho rằng ngay từ đầu đã “lọc” thí sinh.
“Trong đề án tuyển sinh đang xây dựng, sẽ giành một số % chỉ tiêu xét tuyển bằng kỳ thi đánh giá năng lực. Ban tuyển sinh sẽ rất thận trọng từ công tác chuẩn bị, nghiên cứu, khảo sát cho đến tổ chức thí điểm. Như khối trường công an đã tổ chức được vì ít trường và số lượng tuyển sinh ít. Còn quân đội là lượng thí sinh rất lớn. Do đó việc tổ chức khó và phức tạp hơn”, ông Oanh nói.
Nếu muốn triển khai, theo ông Oanh, từ cuối năm nay sẽ phải chuẩn bị những điều kiện tổ chức như ngân hàng đề thi; sang năm là cơ sở vật chất, địa điểm thi...