Bộ Quốc phòng mới đây nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Thái Bình phản ánh, đối với hạ sĩ quan, binh sĩ khi xuất ngũ được trợ cấp xuất ngũ một lần và cứ mỗi năm phục vụ trong Quân đội được trợ cấp bằng 2 tháng tiền lương cơ sở theo quy định của Chính phủ tại thời điểm xuất ngũ.
Cử tri đề nghị Bộ Quốc phòng nghiên cứu, xem xét trình cơ quan có thẩm quyền tăng mức trợ cấp đối với hạ sĩ quan, binh sĩ khi xuất ngũ để khuyến khích, động viên các đối tượng tham gia nghĩa vụ quân sự.
Trả lời vấn đề này, Bộ Quốc phòng cho biết, quá trình triển khai Luật Nghĩa vụ quân sự (NVQS) năm 2015 đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập, khó khăn trong tổ chức thực hiện. Nhất là chế độ, chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ, xuất ngũ và thân nhân thực hiện còn hạn chế.
Đó là về phụ cấp hằng tháng; trợ cấp xuất ngũ, trợ cấp tạo việc làm đối với hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ so với mặt bằng chung của xã hội còn thấp…
Theo Bộ Quốc phòng đây là một trong những nguyên nhân chưa tạo sức thu hút và khuyến khích các đối tượng tham gia NVQS như cử tri phản ánh.
Bộ Quốc phòng đã thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về việc giao Bộ Quốc phòng lập đề nghị sửa đổi, bổ sung các Luật và Nghị định có liên quan đến Luật NVQS năm 2015 theo đúng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2020.
Bộ Quốc phòng đã tổng kết thi hành Luật NVQS năm 2015 và đang lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật NVQS năm 2015 để báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội xem xét thông qua và đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa 15.
Tiếp thu ý kiến của cử tri, Bộ Quốc phòng giao Ban Chỉ đạo, Tổ nghiên cứu lập đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật NVQS năm 2015 nghiên cứu, tổng hợp nội dung liên quan và báo cáo đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật NVQS trong thời gian tới.
Kiến nghị tăng mức đãi ngộ cho gia đình và quân nhân dự bị động viên
Còn cử tri tỉnh Hưng Yên nêu, hằng năm việc huy động quân nhân dự bị động viên đi huấn luyện gặp nhiều khó khăn, đặc biệt huấn luyện tại các đơn vị chủ lực. Lý do vì một số công dân hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương đi xuất khẩu lao động, đi làm ăn xa có mức thu nhập cao hơn, trong khi đó đăng ký quân nhân dự bị động viên huấn luyện chế độ đãi ngộ thấp (290.000đ/người/ngày). Cử tri đề nghị tăng chế độ đãi ngộ cho người tham gia đi huấn luyện”.
Cử tri Quảng Ngãi dẫn quy định chế độ chính sách trong huy động lực lượng dự bị động viên tham gia huấn luyện, trợ cấp cho gia đình quân nhân dự bị là 160.000 đồng (đối với người hưởng lương) và 240.000 đồng (đối với người không hưởng lương). Theo cử tri với số tiền chi trả trong huy động như trên là thấp so với ngày công lao động phổ thông hiện nay. Vì vậy việc huy động quân nhân dự bị tham gia huấn luyện gặp nhiều khó khăn.
Trên cơ sở cải cách tiền lương sắp đến, về lâu dài, cử tri đề nghị đưa vào quy định việc tăng mức trợ cấp cho gia đình quân nhân dự bị khi huy động quân nhân dự bị tham gia thực hiện nhiệm vụ (lên mức 300.000 đồng/người/ngày).
Trả lời kiến nghị này, Bộ Quốc phòng cho biết, Luật Lực lượng dự bị động viên (DBĐV) quy định chế độ, chính sách đối với quân nhân dự bị (QNDB) tham gia huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu.
Chế độ phụ cấp theo ngày làm việc:
Đối với sĩ quan dự bị, quân nhân chuyên nghiệp dự bị, mức phụ cấp 1 ngày được tính bằng tháng tiền lương cơ bản hiện hành của sĩ quan có cùng cấp bậc quân hàm hoặc cùng bậc lương quân nhân chuyên nghiệp tại ngũ chia cho 26 ngày.
Đối với hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị, mức phụ cấp theo ngày làm việc được tính bằng mức phụ cấp quân hàm hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ có cùng cấp bậc quân hàm (không bao gồm phụ cấp quân hàm do kéo dài thời gian phục vụ tại ngũ). Nếu thời gian tập trung từ 5-15 ngày thì được hưởng 1/2 tháng phụ cấp; từ 16-31 ngày được hưởng cả tháng; nếu trên 31 ngày thì mức phụ cấp tiếp tục được hưởng như quy định từ đầu.
Chế độ trợ cấp đối với gia đình quân nhân dự bị:
Mức trợ cấp 160.000 đồng/ngày áp dụng đối với gia đình quân nhân dự bị thuộc diện đang lao động, học tập, làm việc trong các cơ quan, tổ chức và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Mức trợ cấp 240.000 đồng/ngày áp dụng đối với gia đình quân nhân dự bị không thuộc đối tượng quy định tại điểm a khoản này.
Trường hợp QNDB ốm đau, tai nạn đi khám bệnh, chữa bệnh thì gia đình QNDB được hưởng trợ cấp nhưng không vượt quá thời gian tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu và huy động.
Bộ Quốc phòng cho rằng mức trợ cấp 240.000 đồng/ngày theo quy định là phù hợp mức thu nhập bình quân của người lao động trên các vùng, miền và khu vực trong cả nước tại thời điểm năm 2020. Ngoài ra cũng phù hợp với mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang hưởng lương từ ngân sách nhà nước tại thời điểm này đang là 1.490.000 đồng.
Tiếp thu ý kiến của cử tri, Bộ Quốc phòng tiếp tục chỉ đạo các cơ quan liên quan, nghiên cứu, trong thời gian tới điều chỉnh mức trợ cấp gia đình cho QNDB để bảo đảm chế độ, chính sách phù hợp với sự phát triển kinh tế của đất nước và Nghị quyết số 27 của Trung ương về cải cách chính sách tiền lương.