Bộ Công an nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Cao Bằng sau kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV do Ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển đến. Cử tri cho biết, theo Luật Cư trú từ ngày 1/1/2023, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú bằng giấy sẽ không còn giá trị sử dụng, tuy nhiên hiện nay vẫn còn nhiều thủ tục hành chính trong nhiều lĩnh vực cần có xác nhận thông tin về cư trú.
Nếu không dùng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú người dân phải yêu cầu cơ quan Công an cấp giấy xác nhận thông tin về cư trú. Theo cử tri, việc xác nhận thông tin về cư trú lại có quy định thời hạn, do đó đã tạo thêm thủ tục hành chính cho người dân khi thực hiện những thủ tục có liên quan, gây mất thời gian, phiền hà cho người dân đặc biệt đối với vùng dân cư thưa thớt, đường đi đến trụ sở xã xa xôi, khó khăn, công nghệ thông tin chưa phát triển như miền núi.
Cử tri tỉnh Cao Bằng đề nghị Bộ Công an xem xét đưa ra hướng giải quyết và hướng dẫn các địa phương thực hiện cho phù hợp.
Trả lời ý kiến các cử tri, Bộ Công an cho biết, theo quy định của Luật Cư trú, người dân có thể khai thác thông tin về cư trú của mình bằng cách trực tiếp đến cơ quan đăng ký cư trú trong cả nước để đề nghị cấp xác nhận thông tin về cư trú hoặc gửi yêu cầu xác nhận thông tin về cư trú qua dịch vụ công trực tuyến (cổng dịch vụ công quốc gia, cổng dịch vụ công Bộ Công an, cổng dịch vụ công quản lý cư trú).
Cơ quan đăng ký cư trú sẽ cấp xác nhận thông tin về cư trú cho người dân dưới hình thức văn bản giấy hoặc văn bản điện tử theo yêu cầu. Giấy xác nhận thông tin về cư trú có giá trị trong 30 ngày kể từ ngày cấp và có giá trị 6 tháng kể từ ngày cấp với trường hợp quy định ở khoản 1, điều 19 Luật Cư trú.
Theo quy định, thời hạn giải quyết cấp xác nhận thông tin về cư trú tối đa 1 ngày làm việc đối với trường hợp đề nghị xác nhận thông tin thuộc các nội dung thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tối đa 3 ngày làm việc đối với trường hợp đề nghị xác nhận thông tin không thuộc các nội dung thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cần thiết phải xác minh.
Bộ Công an cũng đề nghị cơ quan, đơn vị, tổ chức liên quan căn cứ vào thông tin trên thẻ căn cước công dân gắn chip, thông báo số định danh cá nhân, nghiên cứu, sử dụng các phương thức ứng dụng dữ liệu dân cư và căn cước công dân để xác định nơi cư trú trong giải quyết các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự.
Thời gian tới Bộ Công an sẽ tiếp tục điều chỉnh sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hoặc có yêu cầu xuất trình giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú để thống nhất với quy định Luật Cư trú năm 2020, không yêu cầu người dân xuất trình sổ thường trú, tạm trú.
Cử tri tỉnh Long An kiến nghị đồng bộ hóa dữ liệu căn cước công dân vào các giấy tờ có liên quan: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép kinh doanh, giấy phép lái xe, sổ hộ khẩu… và sớm tham mưu Chính phủ ban hành các quy định, hướng dẫn các Bộ ngành, địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, để người dân không gặp khó khăn khi sử dụng các loại giấy tờ này.
Trả lời vấn đề này, Bộ Công an cho biết, hiện các cơ quan quản lý nhà nước như công an, y tế, tài nguyên - môi trường, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, tài chính, ngân hàng... đang triển khai tích hợp các thông tin của ngành lên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Thẻ căn cước công dân gắn chip có thể tích hợp được thông tin hơn 30 loại giấy tờ khác nhau như giấy phép lái xe, thẻ bảo hiểm, sổ hộ khẩu, tạm trú, tạm vắng...
Các bộ, ngành đang đẩy nhanh tiến độ số hóa hồ sơ, hoàn thiện xây dựng cơ sở dữ liệu để kết nối liên thông với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đáp ứng việc khai thác sử dụng cơ sở dữ liệu.
Trong thời gian tới, khi hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã đồng bộ với các cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành chức năng, khi người dân đi giao dịch và làm các thủ tục hành chính, tài chính ngân hàng, viễn thông, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, đăng ký kinh doanh,... không cần mang nhiều loại giấy tờ, mà chỉ cần dùng thẻ căn cước công dân gắn chip để thực hiện các giao dịch.