Trong đó, Bộ GTVT đề xuất bổ sung cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ vào quy hoạch và nằm trong danh sách ưu tiên đầu tư.
Theo Bộ GTVT, quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam được Thủ tướng phê duyệt vào năm 2021, chưa có nội dung quy hoạch cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
Trong khi đó, Nghị quyết 81/2023 của Quốc hội, về định hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật cấp quốc gia nêu: “Nâng cấp, xây dựng các cảng biển cửa ngõ có chức năng trung chuyển container quốc tế tại Lạch Huyện (Hải Phòng) và Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu). Xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (TP.HCM)”.
Vì thế, Bộ GTVT cho rằng trình Thủ tướng điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển là cần thiết. Mục tiêu nâng cảng biển TP.HCM, từ loại I lên loại cảng đặc biệt tương tự như cảng biển Hải Phòng và Bà Rịa - Vũng Tàu; cập nhật dự báo lượng hàng trung chuyển quốc tế phát sinh mới cũng như cập nhật dự báo nhu cầu vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa phát sinh tương ứng.
Trên cơ sở đó, Bộ GTVT đề xuất quy hoạch bổ sung bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ vào nhóm cảng biển TP.HCM (thuộc nhóm cảng biển số 4).
Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ có phạm vi quy hoạch tại vùng đất và nước ở cửa sông Cái Mép (bên trái luồng Vũng Tàu - Thị Vải). Cảng này tiếp nhận tàu có trọng tải đến 24.000 TEU (250.000 tấn) hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện.
Chức năng của cảng Cần Giờ là trung chuyển container quốc tế, được quy hoạch với quy mô, lộ trình đầu tư phù hợp với “Đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, TP.HCM” được cấp thẩm quyền phê duyệt.
Lượng hàng trung chuyển container quốc tế thông qua bến cảng Cần Giờ khoảng 3,84 triệu TEU đến năm 2030, theo đề án của TP.HCM. Dự kiến, bến cảng trung chuyển Quốc tế Cần Giờ sẽ được đầu tư bằng nguồn vốn của doanh nghiệp, với số tiền khoảng 38.500 tỉ đồng.