Ngày 21/11, Bộ Tài chính cho biết: Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ban hành ngày 13/6/2019 và có hiệu lực thi hành từ 1/7/2020, riêng quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử của Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2022.
Triển khai quy định nêu trên, cơ quan thuế đã phối hợp với các đơn vị liên quan, cùng sự ủng hộ, đồng hành của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, từ ngày 1/7/2022, toàn bộ các doanh nghiệp, tổ chức trên cả nước đã thực hiện phát hành hóa đơn điện tử.
Đối với việc phát hành hóa đơn điện tử theo từng lần bán lẻ xăng dầu và hóa đơn điện tử từ máy tính tiền, Bộ Tài chính cho hay: Ngành Thuế đang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc sử dụng hóa đơn điện tử, giúp người dân, doanh nghiệp hiểu rõ về lợi ích và trách nhiệm, hiệu quả của việc sử dụng hóa đơn điện tử, nâng cao ý thức tuân thủ của người nộp thuế về nghĩa vụ chấp hành pháp luật về thuế.
Đồng thời, tăng cường phối hợp giữa cơ quan, ban, ngành địa phương trong việc rà soát, xử lý vi phạm đối với các cơ sở kinh doanh không xuất hóa đơn kịp thời cho người mua khi cung cấp hàng hóa bảo đảm đúng quy định pháp luật.
Trong quá trình xây dựng Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, bao gồm quy định về “Thời điểm lập hóa đơn điện tử đối với trường hợp bán xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ cho khách hàng là thời điểm kết thúc việc bán xăng dầu theo từng lần bán”, Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) là cơ quan chủ trì đã lấy ý kiến các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Đồng thời lấy ý kiến rộng rãi và tổng hợp, trình các cấp có thẩm quyền thẩm định và xem xét, thông qua đảm bảo đúng trình tự, thủ tục.
Trong đó, đáng chú ý, Bộ Tài chính cho hay, tại văn bản ngày 2/3/2020 góp ý Dự thảo Nghị định quy định về hóa đơn, chứng từ, Bộ Công Thương không có ý kiến về nội dung quy định về thời điểm lập hóa đơn điện tử đối với trường hợp bán lẻ xăng dầu nêu trên.
Trong báo cáo vừa gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương cho rằng việc áp dụng ngay quy định hóa đơn điện tử và kết nối với cơ quan thuế sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp, thậm chí có thể dẫn tới đứt nguồn cung, ảnh hưởng thị trường xăng dầu. Bộ Công Thương cho rằng, việc áp dụng hóa đơn điện tử là cần thiết, nên doanh nghiệp có nghĩa vụ phải tuân thủ khi kinh doanh xăng dầu. Nhưng trước mắt, để giảm bớt khó khăn, chi phí cho doanh nghiệp, Bộ này kiến nghị chưa quy định về lộ trình "cứng" thực hiện hóa đơn điện tử tại nghị định về xăng dầu. Thay vào đó, cửa hàng bán lẻ thực hiện theo quy định của Luật Quản lý thuế, các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính và cơ quan thuế. Tức là, với trường hợp cấp mới giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện sẽ phải thực hiện và tuân thủ ngay quy định của Luật Quản lý thuế, các văn bản hướng dẫn. |