Chia sẻ với PV. VietNamNet, đại diện Bộ Tài chính cho biết, cùng với giải pháp điều chỉnh giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn trong khung thuế đến hết 31/12/2022 và giải pháp điều chỉnh giảm mức thuế suất MFN, Bộ Tài chính đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất phương án giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và giảm thuế giá trị gia tăng đối với xăng dầu nhằm góp phần giảm giá mặt hàng xăng dầu, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi và phát triển kinh tế.
Mức giảm cụ thể vẫn chưa được nêu rõ, song đây cũng là tín hiệu cho thấy Bộ Tài chính đã có những động thái mạnh mẽ để kiềm chế giá xăng dầu trong nước, giảm gánh nặng cho người dân và chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Trước đó, Bộ Tài chính cũng đã hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đến hết ngày 31/12/2022.
Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất giảm từ 500-1.000 đồng/lít thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu, nhằm ổn định giá xăng dầu trong nước trước biến động của giá thế giới.
Cụ thể, các mặt hàng đều được đề xuất giảm kịch khung thuế về mức sàn. Đó là xăng giảm 1.000 đồng/lít, từ 2.000 đồng/lít xuống 1.000 đồng/lít. Nhiên liệu bay giảm 500 đồng/lít, từ 1.500 đồng/lít xuống 1.000 đồng/lít.
Hồi tháng 3/2022, trên cơ sở đề xuất của Bộ Tài chính, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đến hết ngày 31/12/2022. Theo Nghị quyết, từ 1/4 thuế bảo vệ môi trường đối với xăng giảm 2.000 đồng/lít, từ 4.000 đồng/lít xuống 2.000 đồng/lít. Bên cạnh đó, thuế bảo vệ môi trường đối với dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn giảm 1.000 đồng/lít, từ 2.000 đồng/lít xuống 1.000 đồng/lít. Mỡ nhờn giảm 1.000 đồng/kg, từ 2.000 đồng/kg xuống 1.000 đồng/kg. Dầu hỏa giảm 700 đồng/lít, từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/lít.