Duy trì tốc độ tăng trưởng cao ở cả 3 trụ cột
Kết quả đánh giá, xếp hạng về chỉ số chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh – DTI năm 2022 vừa được Bộ TT&TT công bố tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 về chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06 diễn ra chiều ngày 12/7, do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì. Đây là năm thứ ba Bộ TT&TT tổ chức đánh giá và công bố xếp hạng về chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng, Ủy viên Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số cho biết, chỉ số chuyển đổi số quốc gia năm 2022 là 0,71.
So với năm 2021, tốc độ tăng trưởng chỉ số chuyển đổi số quốc gia năm 2022 có chậm lại. Tuy nhiên, các chỉ số thành phần về chính phủ số, kinh tế số và xã hội số vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao, từ 45 đến 55%. Điều này có nghĩa là khi chúng ta càng phát triển lên mức độ cao, việc tăng điểm sẽ càng khó khăn hơn, cần nhiều nỗ lực hơn.
Đánh giá khái quát, chỉ số tổng hợp của cấp tỉnh có mức tăng trưởng mạnh hơn cấp bộ. Điều này phản ánh một cách tương đối trên bình diện tổng thể rằng, trong năm 2022 các địa phương đã nỗ lực lớn hơn các bộ, ngành trung ương.
Năm 2022, 100% các bộ, tỉnh đều có chỉ số tăng so với năm 2021. Qua đó, cho thấy trong năm ngoái, cả hệ thống chính quyền các cấp đều nỗ lực, song do mức độ nỗ lực nhiều, ít khác nhau nên đã dẫn đến những kết quả khác nhau.
Bộ KH&ĐT lần đầu xếp thứ nhất về chuyển đổi số
Cụ thể, ở khối bộ, ngành có cung cấp dịch vụ công, sau 2 lần dẫn đầu vào các năm 2020 và 2021, trong năm 2022 Bộ Tài chính giảm 1 bậc, xếp thứ hai; Bộ KH&ĐT sau 2 năm xếp thứ hai và thứ ba, năm 2022 đã vươn lên dẫn đầu.
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng thông tin thêm, Bộ KH&ĐT đứng thứ nhất ở tất cả các chỉ số chính. Đặc biệt, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT rất quan tâm chỉ đạo triển khai các nền tảng số dùng chung toàn ngành và ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào hoạt động quản lý của bộ. Năm 2022, đây cũng là bộ đã kiện toàn, đổi tên Trung tâm Tin học thành Trung tâm CNTT và chuyển đổi số.
Xét trên góc độ kết nối, chia sẻ dữ liệu, Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2023 đã tiếp nhận khoảng 12 triệu lượt giao dịch truy vấn đến, chỉ xếp sau các dịch vụ liên quan đến người dân như hộ tịch, dân cư và bảo hiểm xã hội. Ở chiều ngược lại, các hệ thống thông tin của Bộ KH&ĐT trong 6 tháng đầu năm nay đã thực hiện khoảng 200.000 lượt giao dịch kết nối, chia sẻ dữ liệu đến các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu khác.
Trong các bộ, ngành có cung cấp dịch vụ công, Bộ Xây dựng tăng hạng về chỉ số chuyển đổi số mạnh nhất, tăng 5 bậc so với năm 2021. Điều này thể hiện sự quan tâm mạnh mẽ và sự bắt đầu vào cuộc để cải thiện chỉ số nhận thức, chỉ số nhân lực và bước đầu có những kế hoạch cụ thể để triển khai các nền tảng dùng chung toàn ngành xây dựng, ví dụ như nền tảng quản lý xây dựng công trình – BIM.
Trong khi đó, năm 2022, Bộ Tư pháp là bộ giảm hạng mạnh nhất, giảm 5 bậc, xếp vị trí cuối cùng trong 17 bộ, ngành có cung cấp dịch vụ công.
Ở khối bộ, ngành không cung cấp dịch vụ công, dẫn đầu vẫn là Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam. Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp có sự bứt phá mạnh mẽ nhất, tăng 6 bậc, từ xếp cuối vào năm 2021 đã vươn lên xếp thứ 2 vào năm 2022.
Đà Nẵng có năm thứ ba liên tiếp dẫn đầu
Với khối địa phương, Đà Nẵng có năm thứ ba liên tiếp xếp ở vị trí số 1 về chỉ số chuyển đổi số. Thành phố Cần Thơ lần đầu tiên vào nhóm 5 địa phương dẫn đầu. Quảng Ngãi tăng hạng mạnh nhất, tăng tới 34 bậc. Đồng Nai và Hà Giang cùng giảm hạng mạnh, giảm 24 bậc.
Điểm ra các địa phương dẫn đầu về nhận thức số, thể chế số, hạ tầng số và nhân lực số, đại diện Bộ TT&TT còn nêu rõ điểm chung của từng nhóm này. Theo đó, điểm chung của 9 địa phương dẫn đầu về nhận thức số là đã tuyên truyền, phổ biến về chuyển đổi số qua đầy đủ các kênh truyền thông, từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở, đặc biệt đã tận dụng kênh truyền thông xã hội.
Điểm chung của 14 địa phương dẫn đầu về thể chế số là đã ban hành đầy đủ các văn bản về chuyển đổi số, đồng thời đã ban hành chính sách về tỷ lệ chi ngân sách nhà nước tối thiểu cho chuyển đổi số; tổ chức các hội nghị phổ biến, hướng dẫn, quán triệt và ban hành các chính sách khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số.
Điểm chung của 10 địa phương dẫn đầu về hạ tầng số là phổ cập mạng băng rộng cáp quang đến hộ gia đình, phổ cập smartphone đến người dân, triển khai trung tâm dữ liệu phục vụ chuyển đổi số theo hướng sử dụng công nghệ điện toán đám mây tập trung thống nhất theo đầu mối là Sở TT&TT, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của Bộ TT&TT. Cùng với đó, các địa phương này cũng đã quan tâm triển khai các nền tảng số dùng chung trong toàn tỉnh và quan tâm triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong các hoạt động của tỉnh.
Về nhân lực số, điểm chung của 10 tỉnh, thành dẫn đầu là đã thành lập và tổ chức hiệu quả hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng đến từng thôn, xóm; tổ chức bồi dưỡng, tập huấn về chuyển đổi số cho cán bộ, công chức, viên chức hàng năm, và đặc biệt là có số lượng tài khoản active trên nền tảng học trực tuyến mở đại trà nhiều.