Tối 4/8, Bộ GD-ĐT đã giải đáp một số vấn đề trong quá trình triển khai thực hiện Thông tư số 08, cùng đó nêu rõ quan điểm nhất trí bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên.
Quan điểm này của Bộ GD-ĐT nhận được sự đồng tình của nhiều giáo viên. Theo phản ánh của các thầy cô với VietNamNet, hiện nay, tại nhiều tỉnh thành như Bắc Giang, Nam Định, Hưng Yên, Ninh Bình, Hải Dương… giáo viên được xét thăng hạng mà không phải qua thi tuyển.
Tuy nhiên Sở GD-ĐT Hà Nội lại ra công văn hướng dẫn về việc hướng dẫn thu, xét hồ sơ đăng ký dự thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên mầm non, phổ thông công lập.
Theo các thầy cô, điều này tạo ra sự bất công vì chế độ chính sách thực hiện chưa đồng bộ giữa các địa phương, trong khi tỉnh này tổ chức xét, tỉnh khác lại phải thi. Thầy cô cũng bày tỏ việc xét duyệt thăng hạng cho những người đủ tiêu chuẩn thay vì tổ chức thi tuyển sẽ giảm áp lực cho giáo viên.
Chia sẻ tới báo VietNamNet, độc giả Ngọc Nguyên cho hay nhiều tỉnh thành hiện nay quyết định xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp để giáo viên đỡ vất vả, áp lực. Trong khi đó, giáo viên Thủ đô vẫn phải tham gia thi, tạo ra nỗi lo lắng, thất vọng, nhất là với những người đã cống hiến từ 30 năm trở lên, đang hưởng ngạch lương viên chức giáo viên hạng III.
“Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp chỉ có tác dụng làm đủ hồ sơ, nhưng vô tác dụng trong các giờ giảng. Thay vì thời gian ôn luyện, thi cử, thiết nghĩ nên giảm bớt gánh nặng để giáo viên tập trung nâng cao chuyên môn và chất lượng bài giảng. Khi có thành tích và đủ các điều kiện để thăng hạng, nên xét tuyển cho giáo viên. Đó mới là cách ghi nhận cống hiến thiết thực nhất”.
Độc giả Mai Xuân Phương cũng bày tỏ: “Mức lương giáo viên vốn bèo bọt, giờ đây muốn tăng lương lại phải thi, nhưng nội dung thi không có tác dụng nâng cao chất lượng giảng dạy thực tế. Giả sử giáo viên thi trượt, không được thăng hạng, những năm cuối nghề vẫn phải làm việc mà không được tăng lương.
Thiết nghĩ, việc thi tuyển không làm cho chuyên môn tốt hơn mà chỉ gây tốn kém và “làm khó” giáo viên, nhất là trong bối cảnh giáo viên đang phải căng mình với chương trình giáo dục phổ thông mới hiện nay”.
Độc giả Khang Vinh cũng cho rằng, tổ chức một cuộc thi sẽ gây tốn kém thời gian và công sức của nhiều người, nhiều đơn vị, trong khi chi phí đó có thể làm được nhiều việc khác.
“Thầy cô các trường còn nhiều khó khăn lắm. Có những giáo viên đã cống hiến với nghề mấy chục năm, đạt nhiều thành tích như bồi dưỡng học sinh giỏi, nghiên cứu khoa học, là giáo viên giỏi cấp tỉnh, chiến sĩ thi đua… nhưng vẫn không đạt. Thiệt thòi của họ so với giáo viên trẻ là tiếng Anh chứ không phải năng lực chuyên môn”.
Là giáo viên, độc giả này nhìn nhận việc tổ chức thi thăng hạng còn nhiều bất cập và tốn kém. Độc giả đề xuất các tỉnh thành có thể đi theo xu hướng chung là trả lương theo vị trí việc làm.
Công tác trong ngành giáo dục hơn 20 năm, lấy bằng cử nhân khóa 2006-2011, một giáo viên ở Gia Lai cho biết tới nay, cô vẫn chưa được thăng hạng ll mặc dù đối chiếu với các tiêu chí đều đã đạt.
Quy định ở mỗi nơi thi – xét khác nhau, theo cô giáo này, Bộ GD-ĐT cần có sự hướng dẫn, chỉ đạo đồng nhất giữa các tỉnh để đảm bảo sự công bằng trong đãi ngộ với giáo viên.
“Nên bỏ thi thăng hạng, thay vào đó sẽ xét thăng hạng cho những giáo viên đạt các tiêu chí theo quy định. Việc thi để thăng hạng sẽ gây tốn kém thời gian, tiền bạc nhưng không hiệu quả, thực chất, lại gây áp lực với giáo viên”.
"Nhân văn, phù hợp thực tiễn" là ý kiến của một độc giả trước thông tin Bộ GD-ĐT nhất trí bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên.
“Việc thi thăng hạng giúp thanh lọc giáo viên”
Dù vậy, vẫn nhiều ý kiến cho rằng, việc thi để thăng hạng cho giáo viên là điều cần thiết.
“Học sinh cần phải thi mới được lên lớp, thầy cô cũng nên chấp nhận phải thi mới được thăng hạng. Nếu các thầy cô làm tốt chuyên môn, nghiệp vụ, không cần phải lo lắng ở cuộc thi này bởi nội dung thi vốn cơ bản. Cho nên, ai đủ năng lực sẽ không ngại thi, ai không đủ năng lực không thể thăng hạng”, một độc giả bày tỏ.
Độc giả Nguyễn Viết Lập cũng cho rằng ngành giáo dục xuất hiện không ít những trường hợp “thành tích giả”, tức tìm mọi cách để đạt sáng kiến hoặc có học sinh giỏi. Vì vậy, có không ít giáo viên đạt nhiều thành tích nhưng năng lực còn hạn chế.
Nếu bỏ thi, tiêu cực sẽ trở nên nghiêm trọng hơn. Với những giáo viên thi trượt tức không đáp ứng yêu cầu, do đó không nên thăng hạng.
Tuy nhiên, độc giả đề xuất nội dung thi nên tập trung vào nghiệp vụ sư phạm và kiến thức chuyên môn thay vì các kiến thức khác không phục vụ cho bài giảng.
Còn theo độc giả Phương Phú Công, việc thi thăng hạng là cần thiết, giúp thanh lọc chính xác những thầy cô đã lạc hậu, không theo kịp thời cuộc.
“Lợi ích cuối cùng là con em chúng ta được hưởng. Cho nên, tôi hoàn toàn ủng hộ kỳ thi này của Hà Nội”, độc giả viết.
Về đề xuất bỏ hình thức thi thăng hạng, chiều tối ngày 4/8, Bộ GD-ĐT cho hay việc tổ chức thăng hạng chức danh nghề nghiệp bằng hình thức thi hay xét là theo lựa chọn của địa phương.
Bộ GD-ĐT không có thẩm quyền bỏ quy định thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên và cũng không có thẩm quyền đề nghị địa phương thực hiện thống nhất theo một hình thức là xét thăng hạng. Tuy nhiên, theo Bộ GD-ĐT, đề xuất của giáo viên về việc bỏ hình thức thi thăng hạng là có căn cứ.
Bộ GD-ĐT đề nghị địa phương căn cứ tình hình thực tiễn cân nhắc, lựa chọn hình thức phù hợp để tổ chức thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên nhằm tạo điều kiện thuận lợi, bảo đảm xác định được những giáo viên thực sự xứng đáng để thăng hạng.
Nếu làm phép so sánh, “đầu vào” của giáo viên THPT (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) khó hơn rất nhiều, kiến thức và yêu cầu giảng dạy cũng cao hơn nhưng lương chỉ tương đương hoặc có phần thấp hơn so với lương của giáo viên THCS ra trường cùng thời điểm. Mặc dù các cấp học cùng một sự quản lý và điều hành của Sở Nội vụ, Sở GD-ĐT và UBND TP Hà Nội nhưng lại thiếu công bằng, đợt thì được xét, đợt lại phải thi. Vậy là giáo viên, nhất là những người có số năm công tác từ 30 năm trở lên, vẫn canh cánh nỗi lo và có phần bức xúc vì sự thiếu công bằng về chế độ chính sách trong cùng một bộ, cùng một ngành. Liệu thi có phải là giải pháp duy nhất để nâng cao trình độ năng lực người thầy hay chỉ là hình thức làm khó giáo viên phải mất nhiều thời gian, công sức để học những vấn đề về Luật Giáo dục không thiết thực? Liệu rằng có xảy ra tiêu cực và gây tốn kém, lãng phí cho giáo viên hay không? Như thế, họ có yên tâm giảng dạy để nâng cao chất lượng hay lúc nào cũng lo học thêm các chuyên đề cho 5 đủ điều kiện để thi thăng hạng? (Một giáo viên THCS ở Hà Nội) |