Năm 2019, tổng thống Mỹ vào thời điểm đó, ông Donald Trump muốn kết thúc nhiệm kỳ của mình theo cách hoành tráng nhất có thể: đưa người Mỹ trở lại Mặt Trăng vào năm 2024 – sớm hơn đến 4 năm so với dự tính trước đó của NASA. Trong khi cơ quan hàng không Vũ trụ Mỹ sẽ không kịp thời hạn, cái đích đến này lại phụ thuộc vào hai tỷ phú với cái túi không đáy đang rót tiền cho lĩnh vực du hành vũ trụ: Jeff Bezos với Blue Origin và Elon Musk với SpaceX.
Vì vậy, chỉ vài tuần sau dòng tweet của ông Trump, ông Bezos đã hân hoan chào đón nó với dòng tweet: "Tôi thích điều này. Đó là điều đúng đắn phải làm." Ông công khai tiết lộ về tàu đổ bộ mặt trăng của Blue Origin, có tên Blue Moon. Nhưng cũng giống như cựu tổng thống Trump, ông Bezos đã đánh giá quá thấp các chướng ngại kỹ thuật của thách thức này – cũng như đánh giá thấp ông Musk.
Cơ bản nhất là trọng lực. Tàu vũ trụ càng nặng, càng lớn, nó càng cần tên lửa đẩy lớn hơn nữa để thoát khỏi sức hút từ trọng lực Trái Đất ở tốc độ hơn 28.000 km/h. Tất cả các sứ mệnh tương lai đều phụ thuộc vào một thế hệ tên lửa đẩy mới – lớn hơn, mạnh hơn và hiệu quả hơn.
Được Blue Origin hứa hẹn vận hành vào năm 2020, nhưng cuối cùng tên lửa đẩy New Glenn bị lùi thời hạn đến cuối năm 2022.
Nếu tất cả các thách thức đều có thể dùng tiền để giải quyết, có lẽ ông Bezos là người đã vượt mặt ông Musk từ lâu. Cho dù đặt mục tiêu phóng tên lửa đẩy hạng nặng New Glenn vào năm 2020, giờ đây thời hạn này đã lùi sang cuối năm 2022. Không có New Glenn, Blue Origin không đủ khả năng bay ra ngoài quỹ đạo. Trong khi đó, tên lửa đẩy Falcon 9 của SpaceX đã đều đặn đưa tàu vũ trụ Dragon lên quỹ đạo và mới đây còn đưa cả các phi hành gia cũng như hàng hóa lên trạm Vũ trụ Quốc tế ISS.
Tại sao SpaceX của ông Elon Musk có thể bỏ xa Blue Origin của ông Bezos đến vậy?
Không chỉ đơn giản là về tên lửa, mà còn là về con người. Sự khác biệt giữa hai công ty phản ánh sự khác biệt giữa hai người sở hữu các công ty đó. Không chỉ là các tin đồn về văn hóa doanh nghiệp độc hại và quan liêu bên trong Blue Origin, sự khác biệt giữa họ trở nên rõ rệt ngay từ ban đầu. Với Blue Origin, đó là mô hình công ty hàng không vũ trụ thông thường, còn SpaceX lại giống như một startup của Thung lũng Silicon được thúc đẩy bởi một nhà lãnh đạo đầy lôi cuốn.
Sự khác biệt này trở nên rõ ràng hơn vào năm 2018 khi CEO Blue Origin, Bob Smith mời các chuyên gia tư vấn quản lý tới để xem xét hiệu quả hoạt động của công ty. Từ đây, trang Ars Technica đã có dịp đánh giá chi tiết những điều làm nên sự khác biệt giữa hai công ty đang chạy đua vào không gian này.
Trước tiên, một điều nhiều người đã biết, Elon Musk là người hà tiện. SpaceX "tập trung không ngừng nghỉ vào việc cắt giảm chi phí". Mọi đơn hàng mua sắm trên 10.000 USD phải được Elon Musk chấp thuận. Ngược lại, Blue Origin "gặp khó khăn với việc ước tính chi phí kém".
Trong khi các đối thủ vẫn loay hoay phát triển tên lửa đẩy mới, SpaceX của tỷ phú Elon Musk đã làm nên lịch sử khi là hãng hàng không vũ trụ tư nhân đầu tiên đưa phi hành gia lên trạm vũ trụ ISS
Hơn nữa, SpaceX như một nhà máy hoạt động liên tục không ngừng nghỉ đến 80 giờ mỗi tuần, trong khi Blue Origin lại như "một thị trấn ma, lười biếng vào cuối tuần". Điều thú vị là các kỹ sư SpaceX lại không mấy phàn nàn về điều kiện làm việc. Họ được thúc đẩy bởi kết quả và dù có thu nhập trung bình thấp hơn đối thủ Blue Origin, họ có những ưu đãi kiểu Thung lũng Silicon như quyền chọn cổ phiếu thưởng cho người xuất sắc nhất. Hàng năm ông Musk cũng loại ra 10% những người hiệu suất kém để đảm bảo tiêu chuẩn cao trong đội ngũ của mình.
Bài viết của Ars Technica cũng nhấn mạnh đến một yếu tố nổi bật khác: tính khí liều lĩnh của ông Elon Musk. Các kỹ sư Blue Origin dành nhiều thời gian phân tích các hệ thống để tìm hiểu xem họ đã sai ở đâu. Ngược lại ông Musk thích xây dựng và thử nghiệm các nguyên mẫu ở những điểm đột phá, tìm hiểu ngay trong thời gian thực xem có thể làm nó tốt hơn ở đâu – thậm chí còn ghi hình lại các vụ nổ ngoạn mục của tên lửa thử nghiệm và đăng tải chúng lên YouTube.
Đối với Blue Origin, các nhà quản lý thường bị than phiền về một bộ máy điều hành dường như xa cách đối với các kỹ sư. Không những thế, hệ thống phân cấp cứng nhắc cũng khiến lớp quản lý cao nhất khó lắng nghe được các ý tưởng sáng tạo. Ngược lại, ông Musk thích ngồi cùng các kỹ sư của mình và cởi mở với các đề xuất sáng tạo.
Nói tóm lại, ông Musk đã truyền được cho mọi người đạo đức làm việc và lòng nhiệt thành với tầm nhìn xa trông rộng của mình, trong khi ông Bezos vẫn là một biểu tượng quyền lực tương đối tách biệt với mọi người, một người có tầm nhìn rộng lớn không kém nhưng lại phụ thuộc quá nhiều vào người khác để họ biến điều đó trở thành sự thật.
Khoảng cách giữa SpaceX và Blue Origin ngày càng xa
Con đường vươn tới đỉnh cao hiện tại của 2 tỷ phú cũng không giống nhau.
Trong khi ông Bezos trở thành người giàu nhất thế giới bằng cách đổi mới hoàn toàn cách mọi người mua sắm trên toàn cầu. Ngược lại ông Musk lại nổi lên từ những lĩnh vực kinh doanh lâu đời và dường như bất khả xâm phạm đối với các ý tưởng đột phá – ô tô và hàng không vũ trụ. Nhưng ông Musk lại đang cho thấy các lĩnh vực này có thể đột phá như thế nào và hóa ra, Blue Origin của ông Bezos giờ lại trở thành mục tiêu đáng lo ngại cho các đột phá mà SpaceX đang làm được.
Cho đến giờ, đối với những gì SpaceX làm được và động lực trong kế hoạch của ông Musk, mọi người đều thấy rất khó có cơ hội cho Blue Origin bắt kịp đối thủ.
Khi lắp ráp hoàn thiện, cả tàu vũ trụ Starship và tên lửa đẩy Super Heavy sẽ cao hơn 120m.
Trong khi Blue Origin vẫn đang vật lộn với một tên lửa đẩy để ra ngoài quỹ đạo, kế hoạch vươn tới Mặt Trăng và chinh phục Sao Hỏa của SpaceX đã bắt đầu triển khai. Mọi thứ tập trung vào việc kết hợp tên lửa đẩy khổng lồ Super Heavy và tàu vũ trụ mới Startship. Kết hợp hai bộ phận này sẽ được một kết cấu cao hơn 120m – cao hơn cả tên lửa Saturn V từng dùng cho chương trình Apollo chinh phục mặt trăng trước đây.
Sau khi được tên lửa đẩy đưa ra ngoài không gian, tên lửa riêng của Starship sẽ đưa con tàu vũ trụ khổng lồ này hướng tới Mặt trăng và xa hơn nữa là Sao Hỏa. Nhưng theo kế hoạch được ông Musk đệ trình lên FAA, vẫn còn nhiều bước thử sai khác cần phải thực hiện để đạt tới đích đến đó.
Mới đây hãng SpaceX còn được NASA trao cho một hợp đồng trị giá 2,9 tỷ USD để đáp ứng mục tiêu của cựu tổng thống Trump đó là đổ bộ lên Mặt Trăng vào năm 2024, đánh dấu một chiến thắng khác của SpaceX trước đối thủ Blue Origin.
Công ty của ông Jeff Bezos thậm chí còn đệ đơn kiện về quyết định này của NASA, khi cho rằng nó "không hợp lý" và rằng Blue Origin sẵn sàng gánh chịu thêm chi phí phát sinh để nhận được hợp đồng này. Nhưng cuối cùng thẩm phán của phiên tòa vẫn đứng về phía SpaceX khi cho rằng lựa chọn của NASA đối với công ty của ông Musk vẫn có hiệu lực.
Như thường lệ, ông Musk đã không bỏ lỡ cơ hội hiếm có này để chế giễu đối thủ của mình với dòng tweet: "Ông đã bị xét xử." Nhiều người cho rằng ngay cả với tên lửa mới của mình, SpaceX cũng không thể đáp ứng kịp thời hạn của hợp đồng với NASA. Nhưng ngoài họ ra, cũng không còn đối thủ nào đủ khả năng làm được điều đó.
(Theo Pháp luật và Bạn đọc, Dailybeast)
Không chỉ là người giàu nhất thế giới hiện tại, Elon Musk còn san bằng kỷ lục của người giàu nhất lịch sử nhân loại
8 thập kỷ qua, vua dầu mỏ John D. Rockefeller đã nắm giữ danh hiệu người giàu nhất lịch sử nhân loại. Thế nhưng, kỷ lục đó đã bị san bằng bởi "quái kiệt" Elon Musk, người đang chiếm ngôi đầu danh sách những tỷ phú giàu nhất thế giới.