Khi đó, lượng phát hành top đầu của một số tờ báo có khi lên đến 500- 700 ngàn bản. Quảng cáo có khi lên đến ngót 120 trang, gấp 6 lần số trang nội dung. Ngay cả những báo không lớn, ít nhất cũng có chục trang quảng cáo.
Đó là thời hoàng kim của báo in khi đất nước đổi mới được hơn chục năm. Khi báo điện tử ra đời nhiều, lượng phát hành báo in giảm dần. Sau khi báo điện tử xem được trên mobile, lượng phát hành, quảng cáo của báo in giảm mạnh tiếp.
Và cho đến khi các nền tảng mạng xuyên biên giới ra đời, phát triển thì cả báo in lẫn báo điện tử đều bị sụt giảm nghiêm trọng cả về lượng phát hành, truy cập lẫn doanh thu quảng cáo, truyền thông.
Rõ ràng, công nghệ làm thay đổi nhiều hành vi của người làm báo, người đọc báo thậm chí cả đời sống của con người.
Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về “Truyền thông chính sách: Nhận thức - Hành động - Nguồn lực” tổ chức vào chiều 24/11, Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nêu ra con số 80% quảng cáo trực tuyến đã mất vào tay các nền tảng này, báo chí của chúng ta chỉ còn 20%. Nếu xét toàn bộ thị trường quảng cáo trên các loại phương tiện truyền thông thì báo chí của chúng ta chỉ còn 40%. Nguồn thu đang bị suy giảm mạnh (hàng chục ngàn tỷ đồng), báo chí đang rất khó khăn.
Nêu giải pháp cho báo chí cách mạng có thể ổn định và tìm đường phát triển, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhìn nhận, trước đây, chúng ta quan niệm làm báo chỉ cần cây bút, tờ giấy, do vậy không cần đầu tư nhiều cho các cơ quan báo chí, có chăng thì cho cái nhà. Nhưng điều này không còn đúng nữa.
Bộ trưởng TT&TT khẳng định: “Bây giờ không có công nghệ là không thể làm báo. Làm truyền hình còn cần đầu tư công nghệ nhiều hơn nữa. Mạng xã hội, nền tảng số đang lấn sân báo chí chính là do họ mạnh về công nghệ. Tụt hậu về công nghệ là không thể giữ được người đọc, là mất báo chí cách mạng”.
Từ đó, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ rõ, các cơ quan chủ quản phải quan tâm đầu tư đổi mới công nghệ cho các cơ quan báo chí. Chiến lược Chuyển đổi số báo chí mà Thủ tướng Chính phủ sắp phê duyệt là để hiện thực hoá Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về báo chí hiện đại, chuyên nghiệp và nhân văn. Công nghệ số ảnh hưởng đầu tiên và mạnh mẽ nhất là tới lĩnh vực truyền thông, nó phá huỷ mô hình truyền thông truyền thống. Báo chí muốn tồn tại được thì phải chuyển đổi số, phải trở thành một tổ chức công nghệ.
Cụ thể hơn, theo Bộ trưởng TT&TT, công nghệ phải chiếm tới 30% hoạt động của một cơ quan báo chí. Đã đến lúc phải đầu tư mạnh mẽ công nghệ cho các báo đài để giữ vững trận địa.
Đây không phải là lần đầu tiên Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nói về điều này. Vấn đề còn lại là hành động của các cơ quan chủ quản và chính các cơ quan báo chí trong việc đầu tư mạnh mẽ cho công nghệ để tìm đường thích ứng, phát triển trong thời đại mới.
Xem toàn văn của Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng TẠI ĐÂY: