Sáng 23/4, Diễn đàn Tương lai ASEAN 2024 nghe thông điệp từ lãnh đạo Liên Hợp Quốc, ASEAN và tiến hành phiên thảo luận đầu tiên.  

Việt Nam có tầm nhìn xa trông rộng

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đánh giá, trong gần 6 thập kỷ qua, các nước ASEAN đã xây dựng những nền kinh tế năng động, tự cường và  đa dạng.

"Các bạn cũng đã đóng góp tiếng nói mạnh mẽ của hoà bình, đối thoại thẳng thắn, giải trừ vũ khí và không phổ biến vũ khí trên toàn cầu. Những lời kêu gọi từ diễn đàn này sẽ hiệu triệu vì sự phát triển bền vững cũng nhắc nhở chúng ta về nhiệm vụ trong thời gian tới, hậu quả nghiêm trọng từ xung đột quốc tế, thảm họa thời tiết, tình trạng nghèo đói và bất bình đẳng đang hiện hữu ở Đông Nam Á", Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc cho biết.

screen shot 2024 04 23 at 125605.png
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc gửi thông điệp tới diễn đàn.

Theo ông Guterres, việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) và ước mơ của mọi người trên thế giới đang bấp bênh hơn bao giờ hết. Vì vậy, đây là lúc phải đẩy nhanh, thực hiện nhanh, mở rộng việc thực hiện SDGs, giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu và thúc đẩy các nền kinh tế sử dụng năng lượng tái tạo, giải pháp xanh.

Còn Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn đánh giá, Việt Nam có tầm nhìn xa và trông rộng về vấn đề này và việc tổ chức diễn đàn tập trung vào tương lai của ASEAN rất phù hợp với những gì ASEAN đang theo đuổi trong việc xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045.

Diễn đàn diễn ra rất kịp thời và rất cấp thiết trong bối cảnh khu vực và Chính phủ các nước thành viên ASEAN đang phải đối mặt với vô số thách thức. 

W-psx-20240423-095835-1.jpg
Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn. Ảnh: Lê Anh Dũng

"Con người luôn có xu hướng tập trung quá mức vào những thách thức trước mắt, những thách thức của ngày hôm nay, đến mức không có đủ thời gian để suy nghĩ thấu đáo về những gì chờ đợi chúng ta ở phía trước. Các Chính phủ luôn ưu tiên tập trung vào những gì đang cần và cấp bách như một số người đã nói: Chính phủ luôn bận rộn “dập lửa”.

"Nhưng một diễn đàn như Diễn đàn Tương lai ASEAN 2024 - sáng kiến do thành viên của ASEAN khởi xướng - sẽ rất hữu ích trong việc cung cấp cho chúng ta những suy nghĩ kiến tạo và thấu đáo về những gì ở phía trước và cần đón đầu", Tổng Thư ký ASEAN chỉ rõ. 

Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone cho biết là Chủ tịch ASEAN 2024, Lào đã xác định chủ đề của năm là “ASEAN: Tăng cường kết nối và tự cường” nhằm xây dựng một ASEAN gắn kết và kiên cường hơn.

Hướng đến tương lai ASEAN, Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone nhấn mạnh, ASEAN cần tiếp tục đề cao nguyên tắc cơ bản, đồng thời tăng cường sự gắn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN.

Đồng thời, ASEAN phải làm chủ vận mệnh của mình bằng cách nhất quán duy trì mục tiêu cơ bản là duy trì và thúc đẩy hòa bình, ổn định, an ninh và hợp tác nhằm củng cố Cộng đồng ASEAN và thúc đẩy khả năng cạnh tranh và vai trò của ASEAN.

W-psx-20240423-092601-1.jpg
Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone. Ảnh: Lê Anh Dũng

Đối mặt với bối cảnh khó khăn của kinh tế thế giới, ASEAN cần tiếp tục nỗ lực tăng cường hội nhập kinh tế khu vực và giữa ASEAN với các đối tác bên ngoài, trong đó bao gồm thông qua thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN và nâng cao năng cạnh lực tranh kinh tế của các quốc gia thành viên ASEAN.

Thủ tướng Lào cũng đề cao sự tăng cường hợp tác của ASEAN để nâng cao năng lực trong mọi lĩnh vực, bao gồm xây dựng năng lực thể chế nhằm ứng phó hiệu quả với thách thức và nắm bắt cơ hội do các xu hướng lớn mang lại trong thời gian tới. Trong đó, tập trung vào phát triển khoa học và công nghệ, chung tay giải quyết biến đổi khí hậu và môi trường.

Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi từ các đối tác ASEAN

Phát biểu tại phiên thảo luận về những định hướng tương lai nhằm thúc đẩy Cộng đồng ASEAN phát triển bền vững, bao trùm và tự cường, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Diễn đàn Tương lai ASEAN là cơ hội tuyệt vời để chúng ta trao đổi quan điểm và thảo luận về tương lai của ASEAN, một trong những khu vực phát triển nhanh nhất trên thế giới.

Sự phát triển nhanh chóng là phát triển kỹ thuật số. Phát triển bền vững là phát triển xanh. Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là những chuyển đổi quan trọng nhất trong những thập kỷ tới.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, trong kỷ nguyên số, bàn về tương lai của ASEAN, chủ yếu đề cập đến chuyển đổi số, đến ASEAN số.

Chủ đề của ASEAN năm 2024 dưới sự chủ trì của CHDCND Lào là “Tăng cường kết nối và khả năng phục hồi”. Khả năng kết nối và khả năng phục hồi là những yếu tố cơ bản cho tương lai kỹ thuật số của ASEAN.

"Tương lai của ASEAN là tương lai kỹ thuật số. Chúng ta cần một tổ chức kỹ thuật số mới, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số mới và nguồn nhân lực kỹ thuật số mới", Bộ trưởng nhấn mạnh.

a58i8509.jpg
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu. Ảnh: Lê Anh Dũng

Chia sẻ một số quan điểm về hợp tác kỹ thuật số, Bộ trưởng Bộ TT&TT cho biết, chuyển đổi kỹ thuật số là một cuộc cách mạng về thể chế hơn là một cuộc cách mạng về công nghệ. Vì vậy cần một khuôn khổ pháp lý mới, để đảm bảo rằng các doanh nghiệp kỹ thuật số là hợp pháp và được pháp luật bảo vệ.

Sự phát triển của công nghệ số, đặc biệt là AI mang đến cả cơ hội và thách thức. Theo Bộ trưởng, các quyết định về cách sử dụng và quản lý các công nghệ này sẽ đóng vai trò quyết định trong việc định hình tương lai.

"Hệ thống pháp luật kỹ thuật số hiện đang trở nên phức tạp hơn. Chúng ta cần chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác để phát triển Khung thể chế kỹ thuật số", Bộ trưởng gợi mở.

Về phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số mới, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Việt Nam sẽ dừng sử dụng 2G từ tháng 9 năm nay. Tất cả điện thoại di động sẽ là điện thoại thông minh. Điều này sẽ thúc đẩy quá trình chuyển đổi kỹ thuật số.

"5G và điện toán đám mây là chìa khóa của cơ sở hạ tầng kỹ thuật số mới. Việt Nam rất tự hào được tổ chức hội nghị ASEAN thường niên về 5G và điện toán đám mây", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.

Cáp ngầm để kết nối khu vực cũng là ưu tiên trong thập kỷ tới. Việt Nam đang hợp tác với các đối tác ASEAN trong các dự án cáp ngầm nhằm đảm bảo kết nối quốc tế của chúng ta và ASEAN.

Từ đây, Bộ trưởng cho rằng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số ASEAN phải có công suất siêu cao, bền vững, xanh, thông minh, cởi mở và an toàn. Hợp tác cùng nhau có thể biến cơ sở hạ tầng kỹ thuật số của ASEAN trở thành một trong những cơ sở hạ tầng tốt nhất.

Về phát triển nguồn nhân lực số mới, Bộ trưởng nêu công nghệ số sẽ trao quyền cho con người nhưng chỉ khi họ có kỹ năng số. Gần 700 triệu công dân ASEAN cần có kiến thức cơ bản về kỹ thuật số để trở thành công dân số.

Theo ông, đây là một thách thức rất lớn vì hơn 50% dân số ASEAN đang sống ở khu vực nông thôn.

Việt Nam có nhiều sáng kiến nhằm cung cấp kỹ năng số cơ bản cho người dân như: làng số, đội ngũ số trong mọi cộng đồng, sử dụng nền tảng số và các khóa học trực tuyến mở đại trà (MOOC) để đào tạo. Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi từ các đồng nghiệp ASEAN về những sáng kiến như vậy. 

"Trong cuộc cách mạng kỹ thuật số, tương lai không phải là một đường nối dài của quá khứ. Các nước thành viên ASEAN, hầu hết là các nước đang phát triển, nhờ tận dụng hiệu quả lợi ích của công nghệ số sẽ có tiềm năng phát triển đột phá và trở thành các nước phát triển.

Các nước ASEAN có nhiều điểm tương đồng và chúng ta sẽ chia sẻ nhiều điểm tương đồng hơn nữa trong việc phát triển kinh tế số và xã hội số. Tương lai của ASEAN là một ASEAN kỹ thuật số. Và để xây dựng ASEAN kỹ thuật số, chúng ta vẫn còn một chặng đường dài phía trước. Vì vậy chúng ta cần thúc đẩy sự hợp tác của chúng ta. Muốn đi xa chúng ta phải đi cùng nhau", Bộ trưởng phát biểu.