Ngày 3/4, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an có văn bản chỉ đạo, yêu cầu công an các đơn vị, địa phương tăng cường hiệu quả công tác phòng ngừa, phát hiện, điều tra, xử lý, giảm tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em.
 
Thời gian qua, công an các đơn vị, địa phương đã tăng cường biện pháp phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật, triển khai thực hiện cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm đạt nhiều kết quả tích cực, kiềm chế sự gia tăng của một số loại tội phạm, giải quyết kịp thời, ổn định nhiều vấn đề bức xúc nổi lên về trật tự, an toàn xã hội.

Tuy nhiên, gần đây một số loại tội phạm và vi phạm pháp luật có dấu hiệu phức tạp, trong đó có tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em (chiếm hơn 80% tội phạm xâm hại trẻ em và còn tiềm ẩn).

Một số vụ việc nghiêm trọng, phức tạp ở nhiều địa phương như bạo lực học đường, hiếp dâm, dâm ô, xâm hại tình dục trẻ em, đặc biệt là vụ học sinh 10 tuổi bị xâm hại ở Hà Nội; vụ hiếp dâm tập thể bạn học lớp 10 ở Quảng Trị, vụ bố đẻ hiếp dâm con gái 10 tuổi, 14 tuổi ở Long An, Bắc Giang; vụ nhiều học sinh THCS đánh bạn ở Hưng Yên, Nghệ An; vụ cô giáo đánh nhiều học sinh THCS ở Bà Rịa - Vũng Tàu… gây dư luận hoang mang, bức xúc trong xã hội.

Tấn công, trấn áp tội phạm bạo lực, xâm hại trẻ em

Bộ Công an yêu cầu công an các đơn vị, địa phương tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương và phối hợp các ngành chức năng thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tội phạm; phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em,....

Triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, thực hiện “Hướng dẫn công tác phòng ngừa nghiệp vụ; tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo, kiến nghị khởi tố về xâm hại tình dục người dưới 16 tuổi”; phối hợp lực lượng nhất là ngành giáo dục, văn hóa, lao động tổ chức tốt công tác phòng ngừa xã hội, giáo dục, quản lý trẻ em, học sinh và thanh thiếu niên, huy động gia đình, nhà trường, xã hội và mọi tầng lớp nhân dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em.

Công an các đơn vị, địa phương điều tra cơ bản, nắm tình hình, khảo sát, đánh giá, xác định diện trẻ em thường bị bạo lực, xâm hại; diện đối tượng có hành vi xâm hại và bạo lực; xác định các hành vi bạo lực, xâm hại có nguyên nhân từ bản thân các em, gia đình, nhà trường, xã hội để tuyên truyền, thông báo cảnh giác phòng tránh; đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả xác minh, điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em.

Tiếp nhận kịp thời tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố liên quan bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em; khẩn trương xác minh, điều tra, truy tìm, bảo vệ nạn nhân. Tổ chức các cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em, phối hợp VKS và Tòa án các cấp truy tố, xét xử nghiêm minh một số vụ án trọng điểm để răn đe, phòng ngừa chung.

Tổ chức hội thảo, tập huấn nâng cao năng lực cho công an cơ sở về phòng ngừa, phát hiện, điều tra tội phạm bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em, tội phạm trong lứa tuổi chưa thành niên và phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực học đường, mua bán người.

Phối hợp Bộ, ngành liên quan tăng cường quản lý, giáo dục trẻ em làm trái pháp luật; thành lập các đoàn liên ngành kiểm tra, hướng dẫn công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em.

Cục Cảnh sát hình sự chủ trì xây dựng kế hoạch, phối hợp hướng dẫn Công an các đơn vị, địa phương triển khai Chương trình trong công tác bảo vệ phụ nữ, trẻ em gái giai đoạn 2019 - 2022; đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả dự án “Đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em, người chưa thành niên vi phạm pháp luật và phòng, chống bạo lực gia đình, mua bán người”; phối hợp tiếp nhận và hướng dẫn Công an các địa phương tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi xâm hại trẻ em từ Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (đầu số 111) của Bộ LĐ-TB&XH.

Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phối hợp các ngành liên quan tăng cường nắm tình hình, quản lý các trang mạng xã hội có nội dung tuyên truyền, kích động, cổ súy bạo lực, dâm ô, đồi trụy, trái đạo đức, thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật; chủ động phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn hành vi lợi dụng không gian mạng xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; thu thập, phân tích dữ liệu, chứng cứ phục vụ điều tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan bạo lực, xâm hại trẻ em.

Cục Truyền thông CAND phối hợp các cơ quan báo chí tăng cường phát hiện các vụ việc bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em; đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em.

Vụ cựu Phó viện trưởng VKS sàm sỡ không hay ho, vui vẻ gì với người Đà Nẵng

Vụ cựu Phó viện trưởng VKS sàm sỡ không hay ho, vui vẻ gì với người Đà Nẵng

Người dân Đà Nẵng không ai đồng ý câu chuyện cựu Viện phó VKS Nguyễn Hữu Linh có hành vi thiếu chuẩn mực với bé gái trong thang máy. Đây là việc không hay ho, không ai vui vẻ gì.

T.Nam