Sáng 10/6, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Căn cước (sửa đổi). Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, luật này được xây dựng nhằm mục tiêu rất quan trọng là tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Mục tiêu thứ hai là không để ai bị xâm phạm về đời tư cá nhân.
Xúc động khi được cấp căn cước
Hiện Bộ Công an và công an địa phương vẫn đang triển khai làm căn cước công dân, Bộ trưởng cho biết qua quá trình làm, phát hiện, "bỏ lọt" rất nhiều người chưa từng được thống kê, kể cả trong thống kê dân số.
"Chúng tôi phát hiện có những người chưa bao giờ từng đi ra khỏi làng, bản, ấp, thôn - những người này chủ yếu thuộc nhóm yếu thế như: người già không nơi nương tựa, người nghèo, ốm đau bệnh tật, tàn tật. Họ không có nhu cầu kết nối xã hội, chưa từng đi đâu, chưa từng được chụp ảnh. Khi công an đến tìm họ xúc động lắm, có những cụ già chia sẻ 70 tuổi chưa bao giờ được chụp ảnh thẻ", Bộ trưởng thông tin.
Ngay cả Hà Nội, TP.HCM cũng có rất nhiều người từ các vùng vì mưu sinh nên di cư đến. Họ đến hàng chục năm nay, tới khi con cái sinh ra vẫn như bố mẹ là không có hộ khẩu, không giấy tờ, không được đi học.
Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, những hoàn cảnh như trên không phải cá biệt, vùng nào cũng có, cho nên luật được sửa đổi mới nhằm mục đích "bảo vệ" mọi đối tượng, mọi người dân để "không ai bị bỏ lại phía sau".
Bộ trưởng cũng chia sẻ, việc có trung tâm dữ liệu sẽ tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp: "Trước đây cơ quan Nhà nước có một cửa tiếp dân đã thuận lợi rồi, bây giờ không có cửa nào nữa, tất cả làm việc trên môi trường điện tử. Khi người dân có địa vị pháp lý, danh tính rõ ràng thì giao dịch vô cùng thuận lợi. Ngồi ở nhà vẫn làm được các thủ tục hành chính, vẫn làm việc được với cơ quan Nhà nước".
Bộ Công an có 245 thủ tục hành chính, tất cả đều được thực hiện trên môi trường điện tử. Trước đây xin cấp hộ chiếu mất nhiều thời gian, từ cảnh xếp hàng với tập hồ sơ dày, bây giờ chỉ cần có căn cước, công dân có thể tự làm thủ tục sau đó cơ quan cấp đối chiếu với cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư, tự in ra rồi gửi đến người dân. Từ dẫn chứng thực tế, Bộ trưởng khẳng định "những tiện ích này vô cùng lớn".
Bộ trưởng Tô Lâm cũng giải thích việc "Luật căn cước công dân" bây giờ đổi thành "Luật căn cước" nhằm chính xác, bao hàm hơn. "Đây không phải là giấy chứng nhận công dân - luật Quốc tịch đã bao hàm vấn đề này. Ở đây có những người bị tước đi 1 số quyền công dân (trong trạm giam, chịu án tù) nhưng vẫn phải có căn cước vì họ vẫn có quyền sở hữu tài sản, đăng ký chủ nhà, chủ đất, chủ xe ô tô... Không ai có thể tước những quyền này được", Bộ trưởng lý giải. Vì vậy, cách gọi là căn cước công dân sẽ không chính xác.
Việc đưa tên gọi là căn cước để nhằm xác định những thông tin cơ bản như “anh là ai, tên tuổi, nguồn gốc…"; sử dụng căn cước cũng để thực hiện giao dịch, thủ tục hành chính.
Hệ thống dữ liệu quốc gia về dân cư được bảo vệ nghiêm ngặt
Trước những lo ngại của ĐBQH về an toàn, an ninh thông tin cơ sở dữ liệu quốc gia, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, mỗi ngày có hàng nghìn cuộc tấn công, xâm nhập vào hệ thống, những vẫn không vượt được qua hệ thống bảo vệ. Ngay trong nội bộ cơ quan vận hành cũng được bảo vệ hết sức nghiêm ngặt. Bộ trưởng khẳng định, sẽ đảm bảo mọi giao dịch của người dân và quyền bảo vệ dữ liệu, bí mật cá nhân.
“Đến nay chưa có cơ quan, đơn vị nào kêu ca thông tin này và hiện vẫn luôn đảm bảo an toàn, không để xảy ra tình trạng lộ lọt thông tin, không thể lợi dụng rút tiền, mạo danh…”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ Công an phấn đấu đến trước 30/7, mọi người dân đều có căn cước. Bộ trưởng cho hay đã có 19/63 tỉnh đã hoàn thành cấp căn cước đạt tỉ lệ 100%. Mặc dù quá trình thực hiện không tránh khỏi sai sót, nhưng hệ thống cơ sở dữ liệu sẽ được cập nhật thường xuyên, đảm bảo tinh thần "đúng, đủ, sạch, sống".
Nói thêm về lợi ích của việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, ông Lâm cho biết tới đây sẽ không phải thực hiện tổng điều tra dân số và nhà ở, từ đó sẽ tiết kiệm cho Nhà nước.
Căn cước sẽ tích hợp kết nối về bảo hiểm y tế, giấy phép lái xe, sản xuất văn bằng chứng chỉ, in thẻ bảo hiểm y tế, sao y, chứng thực công chứng… đều mang lại lợi ích rất lớn.
Đơn cử khi tích hợp với sổ bảo hiểm y tế, sổ khám sức khỏe, để biết được tình trạng sức khỏe nhân dân, giúp tính toán được các địa phương cần bao nhiêu bác sĩ, hệ thống y tế, chống gian lận trục lợi bảo hiểm y tế…
Nghiên cứu từ các nước, Bộ trưởng cho hay thẻ căn cước của Việt Nam có tiến bộ hơn do ứng dụng công nghệ mới. Trực tiếp cầm một thẻ căn cước giới thiệu với các ĐBQH, Bộ trưởng Công an cho biết, tích hợp cả tiếng Việt, tiếng Anh; mã số trên thẻ có thể sử dụng trong việc đi máy bay cả ở trong nước và quốc tế (trước đây mã số này chỉ có trên hộ chiếu).
Bộ trưởng dẫn chứng ở Cộng đồng châu Âu (EC) đi lại không cần hộ chiếu, visa. Còn trong ASEAN "chúng tôi cũng mong muốn điều này", việc đi lại hiện không cần visa tiến tới không cần sử dụng hộ chiếu, người dân chỉ cần căn cước, quẹt thẻ căn cước là có thể di chuyển, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Việt Nam là một trong số ít nước có tích hợp QR với nhiều thông tin trên căn cước công dân. Bộ Công an cũng tính toán đưa công nghệ sinh học vào quản lý, tránh trường hợp những người phẫu thuật thẩm mĩ, thay đổi nhân dạng hoặc không có dấu vân tay.
Về kinh phí để triển khai cấp thẻ căn cước, Bộ trưởng Công an nói là từ các nguồn tổ chức quốc tế tài trợ và xã hội hóa. Đơn cử, phôi thẻ làm căn cước cũng do doanh nghiệp sản xuất, với chi phí rẻ hơn nhiều so với nhập khẩu. Ông cũng bác bỏ quan điểm cho rằng "người dân sử dụng thẻ này sẽ bị theo dõi", do trên thẻ không có sóng, không có tín hiệu, nên không thể có chức năng “theo dõi”.
Việc sử dụng thẻ căn cước cũng sẽ được quy định rõ, sẽ không cơ quan, đơn vị nào có quyền giữ thẻ của người dân, mà chỉ được sử dụng thông tin trong căn cước, ngoại trừ các cơ quan công an phục vụ cho điều tra.
“Trường hợp người dân vào khách sạn thì không ai có quyền cầm giấy tờ này", Bộ trưởng cho biết sẽ có quy định cụ thể.