Chiều 26/10, phát biểu tại tổ về Luật Điện lực sửa đổi, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, những quy định mới trong dự luật thực chất là chính sách phát triển năng lượng mới hoặc các cơ chế đã được đề cập ở nghị định, thông tư, nay được thể chế hóa vào luật.
Theo đó, dự luật lần này bổ sung các cơ chế đặc thù phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới, nhằm tháo gỡ vướng mắc trong đầu tư nguồn điện hiện nay.
“Kế hoạch thực hiện quy hoạch điện 8 đã ban hành 1 năm nay nhưng tới giờ các nhà đầu tư vẫn uể oải, không dám làm vì nghe ngóng cơ chế”, ông Diên nói. Doanh nghiệp băn khoăn khi bỏ số tiền lớn ra đầu tư thì sẽ thu hồi như thế nào.
Để khắc phục tình trạng trên, ông Nguyễn Hồng Diên cho rằng, dự thảo Luật Điện lực sửa đổi bổ sung, điều chỉnh các quy định liên quan đến cơ chế giá điện, qua đó hình thành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Cụ thể, giá điện, truyền tải điện, điều độ điện… theo thị trường, nhưng có sự điều tiết của Nhà nước.
Bộ trưởng Công Thương cũng nêu thực tế chưa có doanh nghiệp nào đặt vấn đề đầu tư dự án truyền tải điện vì giá truyền tải quá thấp trong khi kinh phí đầu tư lớn. Cụ thể, giá truyền tải hiện nay với tỷ lệ 5-6% giá thành sản xuất điện, trong khi thực tế phải từ 30-35%. Do vậy, Luật Điện lực sửa đổi một số điều để thu hút nhà đầu tư vào lĩnh vực truyền tải.
Theo quy hoạch điện 8 đến năm 2030, tổng công suất điện là 150.000 MW (gấp 2 lần hiện nay); đến năm 2050 đạt 530.000 MW. “Điều này đòi hỏi phải phát triển rất mạnh nguồn điện, nếu không có cơ chế thì khó đạt mục tiêu”, ông Nguyễn Hồng Diên chia sẻ.
Ngoài ra, theo ông Diên, Việt Nam đặt mục tiêu giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050, nên cần phát triển năng lượng tái tạo, điện sạch. Nhưng cơ chế phát triển nguồn năng lượng sạch còn thiếu, chưa đồng bộ. “Nếu không sửa luật khó thu hút nhà đầu tư vào ngành điện”, ông Diên nói và nêu mong muốn Quốc hội thông qua dự luật tại kỳ họp này.
Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng nêu thực tế nguồn điện từ thủy điện hiện nay đã đến giới hạn, trong khi một dự án điện than đầu tư 5-6 năm, dự án điện khí 7-8 năm mới hoàn thành. Còn điện hạt nhân mới chỉ bắt đầu khởi động.
Do vậy, theo ông Nguyễn Hồng Diên nếu chậm ban hành Luật Điện lực sửa đổi ngày nào thì sẽ "chậm hàng năm trời" triển khai dự án điện. Điều đó dẫn tới nguy cơ mất an toàn, an ninh năng lượng quốc gia.
“Chúng tôi kiến nghị dự luật này được xem xét, thông qua trong một kỳ họp, để có cơ chế đủ mạnh, phát triển nhanh công suất, chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu nguồn điện”, ông Diên nói thêm.