Thông tin trên được Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên chia sẻ với báo chí nhân dịp Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden có chuyến thăm cấp Nhà nước Việt Nam từ ngày 10/9 đến 11/9.
Hai nền kinh tế có tính chất bổ trợ
Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, một đặc điểm rất quan trọng cần nhắc đến trong quan hệ kinh tế, thương mại song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đó là tính chất bổ trợ của hai nền kinh tế. Hoa Kỳ có nhu cầu nhập khẩu lớn những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng hoặc những sản phẩm mà Việt Nam có thế mạnh dựa trên điều kiện kinh tế tự nhiên thuận lợi, lợi thế về nhân công trong nhiều lĩnh vực như dệt may, da giày, máy móc thiết bị điện tử…
Ở chiều ngược lại, Hoa Kỳ được đánh giá là một trong những thị trường nhập khẩu quan trọng nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất của Việt Nam, cung cấp các sản phẩm nguồn như bông, thức ăn gia súc, ngô, đậu tương, hóa chất, máy móc, công nghệ… để đáp ứng tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao và sự mở rộng nhanh chóng của nền kinh tế.
"Việc tăng cường nhập khẩu các sản phẩm nguồn này từ Hoa Kỳ tạo ưu thế quan trọng là giúp làm “sạch hóa” chuỗi cung ứng khi có nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất có được nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và có chứng nhận", ông Diên chia sẻ.
Với tốc độ tăng trưởng thương mại trung bình trên 20%/năm như hiện nay, Hoa Kỳ vẫn tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam hiện nay và trong những năm tới.
Trong bối cảnh Việt Nam - Hoa Kỳ tăng cường trao đổi chuẩn bị cho các chuyến thăm cấp cao và đã tuyên bố nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện, Bộ Công Thương và Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã có nhiều cuộc làm việc và trao đổi thẳng thắn qua nhiều kênh khác nhau để đề nghị đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước có nền kinh tế phi thị trường. Đây là vấn đề quan trọng, liên quan đến lợi ích chính đáng của Việt Nam.
Ông Diên cho rằng: Nếu được giải quyết thỏa đáng sẽ không chỉ tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp Việt Nam trong các vụ việc phòng vệ thương mại, mà còn giúp cho vai trò, vị thế và niềm tin vào tiềm năng của Việt Nam gia tăng đáng kể trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục thúc đẩy trao đổi với Hoa Kỳ đề nghị khả năng áp dụng cơ chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) dành cho Việt Nam. Đây là vấn đề quan trọng, liên quan tới lợi ích chính đáng của Việt Nam, đồng thời sẽ giúp cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam được đối xử công bằng hơn, tương tự như các đối tác chiến lược của Hoa Kỳ hiện đang được hưởng, mang lại lợi ích chính đáng cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước.
"Siêu đại bàng" Mỹ dồn dập tới Việt Nam
Tư lệnh ngành Công Thương cho biết: Nhằm giảm thiểu rủi ro đứt gãy và nguy cơ phụ thuộc, các doanh nghiệp Hoa Kỳ định hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng, từ đó giúp Việt Nam có cơ hội mở rộng hoạt động sản xuất, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu của các Tập đoàn Hoa Kỳ.
Đến nay, đã xuất hiện xu hướng rõ nét việc các Tập đoàn lớn của Hoa Kỳ như Intel, Apple, Google, Boeing, Walmart… nghiên cứu, đầu tư mở rộng chuỗi cung ứng tại Việt Nam nhằm đảm bảo tính ổn định trong dài hạn của toàn chuỗi. Điều này đặt ra đòi hỏi chúng ta cần có chính sách tổng thể để từng bước giúp các doanh nghiệp Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo ông Diên, trong những năm gần đây, Việt Nam đã và đang chuyển mình mạnh mẽ để trở thành một trung tâm sản xuất lớn toàn cầu. Các doanh nghiệp Việt Nam đã sản xuất ra nhiều mặt hàng phong phú về chủng loại, cạnh tranh về giá cả và chất lượng ngày càng được cải thiện.
Đồng thời, sau đại dịch cũng như những bất ổn địa chính trị-kinh tế gần đây, nhiều tập đoàn, kênh phân phối bán lẻ, bán buôn đang đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa, bảo đảm nguồn cung bền vững và đã lựa chọn Việt Nam là một trong địa điểm chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
"Đây là cơ hội lớn. Tuy nhiên, để nắm bắt được cơ hội cũng sẽ đòi hỏi nỗ lực lớn từ các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu", ông Diên lưu ý.
Bộ trưởng Công Thương đánh giá, chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Joe Biden và sự kiện nâng cấp quan hệ lên mức đối tác chiến lược toàn diện sẽ tạo cơ hội chưa từng có để thúc đẩy những lĩnh vực hợp tác mới, mang tính đột phá, xây dựng nội lực để Việt Nam thực sự có mặt trong các chuỗi giá trị toàn cầu. Trong đó tập trung vào tạo việc đẩy mạnh sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực cung ứng nguyên vật liệu, linh kiện, thiết bị cho ngành năng lượng, hàng không, kinh tế số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo…